Bà Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa điểm chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh là nơi diễn ra cuộc đưa tiễn cán bộ, chiến sĩ và học sinh, con em gia đình cách mạng Khu 8 nói chung và tỉnh Long Châu Sa (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nói riêng rời quê hương để lên tàu ra miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève nên thuộc Di tích lịch sử Lưu niệm sự kiện.
Địa điểm Tập kết ra Bắc, chuyển quân năm 1954 tại Cao Lãnh thực sự là một mốc son trong lịch sử dân tộc; là dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Đồng Tháp.
Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ - Tân - Gò, Long Châu Sa, Gia - Định - Ninh, Phân Liên Khu miền Đông ... xuống tàu tập kết ra Bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra miền Bắc vào ngày 29/10/1954.
Thành phần đoàn tập kết của tỉnh Long Châu Sa ngày đó là cán bộ, bộ đội, học sinh, con em gia đình cách mạng, Tiểu đoàn 309, Tiểu đoàn 311, Trung đoàn 11; trong đó, Tiểu đoàn 311 được giao nhiệm vụ giữ và bảo vệ vùng chuyển quân tập kết ở Cao Lãnh trong thời gian khoảng 100 ngày. Việc chuyển quân chia làm nhiều đợt: tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Tàu chuyên chở bộ đội, cán bộ, con em gia đình cách mạng từ bến bắc Cao Lãnh ra Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu chạy 3 ngày đêm ra đến nơi đổ quân là Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Di tích Quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được xây dựng bên bờ sông Tiền, nằm phía bên phải bến phà Cao Lãnh và cách 100 m về phía thượng lưu thuộc Phường 6 (thành phố Cao Lãnh). Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017 trên khuôn viên 12.000 m2, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954, bao gồm các hạng mục: Tượng đài và phù điêu, sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét.
Tượng được chọn từ cuộc thi sáng tác với chủ đề “Con ra thưa với cụ Hồ, Việt Nam chung một ngọn cờ mà thôi”. Tỉnh đã chọn xây dựng hình tượng hai nhân vật: Người mẹ lưu luyến tiễn con đi tập kết, đứng trên đài sen cách điệu; hai bên tượng đài là hai bức phù điêu, thể hiện hình dáng con tàu cách điệu ghi lại sự kiện 100 ngày bộ đội, cán bộ Dân chính Đảng, học sinh tập kết tại Cao Lãnh với những hoạt động thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, sự kiện tập kết, chuyển quân năm 1954 tại Cao Lãnh như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của nhân dân địa phương đối với cán bộ, chiến sỹ tập kết năm xưa; là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đối với các cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam đã từng tham gia tập kết ra Bắc ngay tại mảnh đất Cao Lãnh.
Đây còn là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân Đồng Tháp cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; hứa hẹn là điểm đến tham quan cho du khách trong và ngoài nước khi đến địa phương. Công trình là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.