48 năm thống nhất đất nước:

'Địa chỉ đỏ' trong hành trình về nguồn

Những ngày tháng 4, trong không khí chào mừng kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất đông du khách, người dân ở khắp nơi tìm về thăm Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.

Chú thích ảnh
Nơi ở và nơi làm việc của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được phục dựng tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng hào hùng, bất khuất của Đảng bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Bình Thuận cho các thế hệ hôm nay và mai sau; từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận tại khu rừng Sa lôn - khu rừng tự nhiên, có địa thể hiểm trở, tiếp giáp với vùng đồng bằng Hàm Thuận (nay là huyện Hàm Thuận Bắc) là nơi được cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận chọn đóng quân 3 lần trong suốt 8 năm: Từ tháng 12/1954 - 6/1957, giữa năm 1961 - tháng 12/1964, tháng 9/1968 đến tháng 8/1970. Mặc dù phải hứng chịu "mưa bom, bão đạn", song dưới sự che chở, đùm bọc của núi rừng và đồng bào nơi đây, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh hoạt động và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, giải phóng tỉnh Bình Thuận vào ngày 19/4/1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 1/2022, Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ được khởi công xây dựng; chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 2/2023. Nằm sâu trong rừng, trên diện tích hơn 10 ha, Khu Di tích phục dựng, tái hiện lại nhiều cảnh vật, công trình như: các lán trại, hầm trú ẩn của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và các ban, bộ phận khác, bếp "Hoàng cầm"… Bên cạnh đó, nhiều công trình được xây dựng như: nhà tưởng niệm - trưng bày, nhà bia ghi sự kiện, hội trường…

Kể từ khi đưa vào hoạt động, Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ trở thành một địa danh lịch sử thiêng liêng, được nhiều cơ quan, đơn vị chọn để tổ chức các hoạt động về nguồn, các đợt sinh hoạt chính trị, nhất là đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận phát động. Đến với Khu di tích, khi được trực tiếp nhìn những bằng chứng sát thực nhất thông qua cảnh quan môi trường và những hiện vật lịch sử, mọi người càng hiểu đầy đủ hơn về những năm tháng “nếm mật nằm gai” của cán bộ, chiến sỹ cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận năm xưa.

Ông Nguyễn Châu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) chia sẻ: Thật tự hào và phấn khởi khi được đến tham quan, tìm hiểu về Khu Di tích lịch sử cách mạng, nhất là trong không khí cả nước kỷ niệm 48 năm Ngày phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ biết thêm một địa danh cách mạng, ôn lại lịch sử dân tộ chuyến đi còn là dịp được trải nghiệm không gian xanh của rừng, thiên nhiên hữu tình với vẻ đẹp của đại ngàn vùng cao Hàm Thuận Bắc và các vùng lân cận.

Chị Võ Thị Xuân Loan, giáo viên Trường Mẫu giáo Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết: " Lần đầu tiên đến với Khu di tích, được tìm hiểu, nghe thuyết minh về cuộc sống, làm việc, chiến đấu của thế hệ cha anh, càng thêm hiểu, chúng tôi càng thêm biết ơn sự hy sinh của bao lớp thế hệ đi trước để có nền tự do, độc lập hôm nay. Từ đó, bản thân tôi nguyện thi đua rèn luyện, dạy tốt học tốt, tiếp tục giáo dục tình yêu nước cho thế hệ trẻ".

Ông Võ Cáp, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu di tích đón hơn 10.000 lượt khách. Ngoài các đoàn cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân đến sinh hoạt chính trị, tham quan, tìm hiểu, Khu di tích còn đón nhiều lượt khách du lịch ở các tỉnh lân cận.

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, Khu Di tích tiếp tục đón lượng lớn khách tham quan, về nguồn. Để phục tốt nhu cầu khách tham quan, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, Ban Quản lý Khu di tích đã lắp đặt các bảng nội quy tham quan, bảng chỉ dẫn, sơ đồ các điểm tham quan, bố trí các mã QR code số hóa để du khách dễ nắm bắt thông tin; dần hoàn thiện các mảng xanh, bố trí thêm thùng rác góp phần đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp tại Khu di tích.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh xây dựng nội dung tổng quan giới thiệu về Khu di tích; đồng thời tổ chức làm việc với các đơn vị lữ hành để giới thiệu điểm tham quan mới của tỉnh và đề nghị các công ty có kế hoạch kết nối tour, tuyến đưa khách đến tham quan Khu Di tích trong thời gian tới.

Hồng Hiếu (TTXVN)
48 năm thống nhất đất nước: Những ký ức không thể nào quên
48 năm thống nhất đất nước: Những ký ức không thể nào quên

Với mỗi người dân Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN