Hành trình về những "địa chỉ đỏ" đã đem đến cho những "màu áo xanh" những bài học quý giá về truyền thống cách mạng, về tinh thần kiên trung, bất khuất của thế hệ cha anh. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Từ chi bộ Đảng đầu tiên...
Trong quá trình phát triển và trải qua các cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc, Bến Tre đã trở thành vùng đất anh hùng với nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa. Đặt chân đến xã bãi ngang Tân Xuân, một vùng quê cách mạng thuộc huyện Ba Tri, chúng tôi và các đoàn viên, đội viên trên địa bàn xã tham quan khu di tích Cây Da đôi - nơi ghi dấu sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Bến Tre. Đây là nơi đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1997.
Sau lễ dâng hương, chúng tôi đến dưới gốc cây da đôi và bia tưởng niệm, lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về những câu chuyện đấu tranh của thế hệ cha anh đi trước đã làm nên lịch sử, đời đời khắc ghi. Từ năm 1927, phong trào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội phát triển mạnh ở Tân Xuân, tạo tiền đề cho sự ra đời của tổ chức Đảng. Đầu tháng 4/1930, nhóm Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội của xã Tân Xuân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đây là những hạt giống đỏ đầu tiên ở Cù lao Bảo và cũng là những hạt giống đầu tiên ở tỉnh Bến Tre. Cuối tháng 4/1930, đội ngũ đảng viên trong xã có 10 người. Nhận thấy đủ điều kiện để thành lập chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Ân đã thay mặt Tỉnh ủy lâm thời Bến Tre - Mỹ Tho lúc bấy giờ đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Tân Xuân - chi bộ được thành lập đầu tiên ở Bến Tre.
Sau ngày thành lập, các đảng viên của chi bộ Tân Xuân đã đi ngay vào hoạt động như liên tiếp tổ chức các buổi diễn thuyết bí mật, rãi truyền đơn, treo cờ Đảng, tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, vào chiều tối 1/5/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Tân Xuân quyết định tổ chức mít-tinh tại ngã ba Cây Da đôi ở ấp Tân Hòa, với trên 200 quần chúng trong xã và nhiều xã lân cận tham dự. Cuộc mít-tinh sau đó đã trở thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng. Cuộc biểu tình đầu tiên đó đã thành công, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng trong nhân dân. Từ chi bộ đầu tiên, các chi bộ khác cũng lần lượt ra đời và phát triển thành Đảng bộ tỉnh Bến Tre.
Cô Diếp Thị Ngọc Thủy - Tổng phụ trách Đội Trường Trung học Cơ sở Tân Xuân, huyện Ba Tri nói, học theo lời Bác căn dặn: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Với ý nghĩa, tầm quan trọng đó, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ học sinh luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Ngoài việc lồng ghép các giá trị di tích lịch sử tại địa phương vào các tiết học, bài giảng, nhà trường còn tăng cường nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước thông qua những buổi ngoại khóa hay các cuộc thi. Đặc biệt, để chung tay góp phần gìn giữ lịch sử văn hóa địa phương, định kỳ vào ngày thứ Năm của tuần thứ ba hàng tháng, luân phiên các lớp phụ trách Đội sẽ đến dọn dẹp vệ sinh tại khu di tích Cây Da đôi, đền thờ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sỹ,…
... đến những anh hùng yêu nước
Bến Tre - "mảnh đất thành đồng", nơi được mệnh danh là "Địa linh Nhân kiệt", nơi lưu dấu nhiều cái tên vang danh muôn thuở với nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương ở trên nhiều lĩnh vực, qua các thời đại. Từ vị tiến sĩ đầu tiên vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh Phan Thanh Giản, Đốc binh Phan Ngọc Tòng, nhà thơ Phan Văn Trị, đến nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nữ tướng của đội quân tóc dài Nguyễn Thị Định…
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023), hướng đến kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), Tỉnh Đoàn Bến Tre tổ chức chương trình "Tuổi trẻ quê hương Đồng khởi tự hào truyền thống hiếu học". 90 đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú trên địa bàn tỉnh đã về nguồn tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Đình Chiểu,… cùng các hoạt động "Rung chuông vàng", sinh hoạt tập thể để các đoàn viên thanh niên cùng nhau nhắc nhớ về lịch sử hào hùng và nhiệm vụ của thế hệ trẻ hôm nay.
Đến Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, 90 đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú nghiêng mình kính cẩn trước một Nữ tướng Rừng dừa, "Linh hồn" của phong trào Đồng Khởi, Thủ lĩnh của "Đội quân tóc dài" huyền thoại. Nữ tướng Nguyễn Thị Định (được người dân gọi là cô Ba Định) sinh ngày 13/2/1920, là con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 10/1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1946, bà là thành viên nữ duy nhất trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc, gặp Trung ương để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, bà đã khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề để Trung ương nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.
Những năm 1960, tên tuổi của cô Ba Định còn gắn liền với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với "Đội quân tóc dài" làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, cô Ba Định đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Bà được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Rời đền thờ, các đoàn viên hành trình về Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, tại xã An Đức, huyện Ba Tri. Thắp nén hương và nghiêng mình kính cẩn trước cụ Đồ, Tuổi trẻ Bến Tre in sâu vào lòng hình tượng một Danh nhân văn hóa thế giới "thà đui mà giữ đạo nhà". Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân nơi đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Cụ đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc kháng chiến của nghĩa quân, tố cáo tội ác của giặc Pháp, kiên quyết chống bọn vua quan bán nước, không hợp tác với giặc, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân. Thơ văn cụ Đồ Chiểu đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre và biến thành một sức mạnh vô hình vượt qua và chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách gay go và khốc liệt nhất.
Đối với Lê Nhật Anh, học sinh lớp 12a3 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Mỏ Cày Nam, mỗi địa chỉ là một hình tượng sống động giúp thế hệ trẻ, các em học sinh cảm nhận rõ hơn và thực tế hơn về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ, người dân năm xưa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước. Nhật Anh chia sẻ, đến với mỗi địa điểm di tích, một địa chỉ đỏ đã mang đến cho bản thân nhiều cảm nhận và học hỏi được rất nhiều điều. Qua đó, em càng tự hào hơn lịch sử quê hương và thôi thúc mình cần cố gắng, học tập, làm việc xứng đáng là người con của vùng đất anh dũng, kiên cường.
Là một đảng viên trẻ, Nguyễn Thị Huệ Tuyên (22 tuổi, quê huyện Mỏ Cày Nam), sinh viên Trường Đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tận mắt tham quan di tích, nghe thuyết trình về lịch sử tại ngay địa chỉ đỏ, thế hệ trẻ hôm nay càng thấm thía hơn về hoạt động cách mạng cũng như sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ và nhân dân trong những năm tháng hoạt động cách mạng. Tự hào với truyền thống quê hương, tuổi trẻ quê hương Đồng Khởi ra sức học tập xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp; không ngại gian khó, xung kích, cống hiến sức trẻ với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".
Tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của Đoàn, Hội, Đội tỉnh Bến Tre. Hằng năm, hoạt động này luôn được gắn với các "địa chỉ đỏ" bằng các hoạt động cụ thể, ý nghĩa như tổ chức lễ báo công, dọn dẹp vệ sinh các Đền tưởng niệm liệt sĩ; dâng hương, chung tay giữ gìn và giới thiệu các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh,...
Chị Võ Thị Phương Diệu - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre khẳng định, thông qua hành trình về nguồn tại các "địa chỉ đỏ", Tỉnh Đoàn mong muốn nâng cao ý thức, lòng tự hào về truyền thống dân tộc. Từ lịch sử hào hùng sẽ là động lực để mỗi đoàn viên, thanh niên luôn có ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động; sống có khát vọng, mục tiêu, lý tưởng. Đồng thời, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.