Được khởi công xây dựng vào tháng 10/1975 và hoàn thành tháng 4/1977, công trình thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người con ưu tú của đất nước đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất non sông. Kể từ khi được xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục về lòng tự hào và là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất của nhân dân ta.
Càng gần đến dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2019) thì dòng người từ khắp mọi miền đất nước hành hương về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn càng nhiều, như để tiếp nối truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc - “uống nước nhớ nguồn”. Trong dòng người hành hương về Nghĩa trang có những cụ già tóc đã bạc phơ, có các em học sinh, giáo viên, có những người công nhân, viên chức... Trong đó đặc biệt nhất là đồng đội và thân nhân của những liệt sỹ đang yên nghỉ nơi đây.
Trước tượng đài các Anh hùng liệt sỹ, từng khu mộ, phần mộ, mọi người thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đã hy sinh trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh. Với chất giọng trầm ấm toát lên sự hào hùng ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, đọc điếu văn khiến ai ai cũng nghẹn ngào xúc động.
Tiếng đại hồng chung đặt tại tháp chuông của Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn vang lên liên hồi, vang vọng núi rừng Trường Sơn đúng như tinh thần trong bốn câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc trên đại hồng chung ở nghĩa trang này: "Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình". Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái (70 tuổi, sống tại tỉnh Quảng Bình) từng hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn giai đoạn 1969 - 1972. Ông chia sẻ: "Khi tiếng chuông vang lên cũng là lúc chúng tôi gửi gắm tâm nguyện, cầu nguyện cho linh hồn của đồng đội được siêu thoát và cầu nguyện cho đất nước mãi được hòa bình, nhân dân có cuộc sống an lạc".
Tại một góc của Nghĩa trang nhóm cựu thanh niên xung phong đang quây quần bên những phần mộ của đồng đội năm xưa. Họ đặt lên phần mộ những bông hoa tươi, lau những hạt bụi bám trên tấm bia mộ khắc tên đồng đội, rồi cắm những nén hương thơm. Họ cùng nhau nghẹn ngào hát cho đồng đội đã khuất nghe những bài ca quen thuộc năm nào: "…Đêm Trường Sơn/Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa/Mà ngỡ như từ Pác Bó suối về đây ngân nga/Âm vang Trường Sơn. Âm vang Trường Sơn/Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác/Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước/Con đường của Bác mới đi qua…". Nằm dưới phần mộ là các anh, các chị hy sinh khi đang ở độ tuổi đôi mươi, tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời. Năm xưa giữa chốn núi rừng Trường Sơn họ đã cất lên tiếng hát để át tiếng bom của quân thù.
Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tố (69 tuổi trú tại tỉnh Thừa Thiên – Huế) từng hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn giai đoạn 1969 – 1972. Bà tâm sự: "Lần nào đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn để viếng đồng đội thì chúng tôi đều hát lại những bài ca về Trường Sơn cho đồng đội đã mất nghe, như những ngày còn ở chiến trường chúng tôi vẫn thường hát cho nhau nghe. Đó cũng là cách mà chúng tôi luôn nhớ về đồng đội và tri ân đồng đội đã hy sinh".