Vụ SVB phá sản: FED đánh giá lại công tác quản lý 

Ngày 13/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết đang tiến hành đánh giá công tác quản lý với ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) cũng như nguyên tắc hoạt động của chính SVB, sau khi ngân hàng này thông báo phá sản hồi cuối tuần trước.

Chú thích ảnh
Trụ sở của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington. Ảnh: Kyodo/TTXVN

SVB sụp đổ đánh dấu thất bại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời làm dấy lên quan ngại về "hiệu ứng domino" trong toàn bộ hệ thống. Việc khách hàng rút cạn tiền gửi đã khiến ngân hàng tầm trung này không còn khả năng duy trì hoạt động độc lập.

Theo FED, công tác đánh giá sẽ do Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của FED - ông Michael Barr - chỉ đạo và mọi kết luận sẽ được công bố vào ngày 1/5 tới. Chủ tịch FED Jerome Powell nêu rõ: "Các diễn biến xung quanh vụ sụp đổ của SVB đòi hỏi FED phải xem xét kỹ lưỡng, minh bạch và nhanh chóng". 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Barr khẳng định: "Chúng ta cần phải đánh giá một cách toàn diện, cẩn trọng và kỹ lưỡng về cách chúng ta giám sát và quản lý ngân hàng này, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm".

Sau khi SVB sụp đổ, FED, Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã phải đứng ra cam kết bảo vệ quyền lợi của tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng điều kiện cung cấp các khoản vay ngắn hạn.

Trong một tuyên bố chung, các cơ quan trên nêu rõ tất cả những người gửi tiền ở SVB và Signature Bank, ngân hàng có trụ sở ở New York cũng vừa tuyên bố phá sản, sẽ được tiếp cận toàn bộ số tiền gửi của họ trong ngày 13/3 và người đóng thuế ở Mỹ sẽ không phải chịu gánh nặng liên quan. Tuyên bố nhấn mạnh nhà chức trách đang “hành động quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua việc củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng”.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân SVB sụp đổ phần lớn do FED tăng lãi suất mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán. Một số chuyên gia và các ngân hàng hàng đầu nhận định FED có thể cần tạm dừng chính sách hiện nay để ổn định thị trường tài chính.

Trong diễn biến mới nhất, SVB Financial - công ty mẹ của SVB - thông báo tập đoàn này đang lên kế hoạch về chiến lược tái cơ cấu hoạt động kinh doanh tại cả chính SVB Financial và hai công ty con còn lại là SVB Capital và SVB Securities.

SVB Financial đã thành lập một ủy ban tái cơ cấu với 5 thành viên, trong đó đứng đầu là ông William Kosturos. Ông Kosturos trước đó là giám đốc phụ trách tái cơ cấu ngân hàng Washington Mutual - từng sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi đang là ngân hàng tiết kiệm và cho vay lớn nhất nước Mỹ.

Thanh Phương  (TTXVN)
Vụ SVB phá sản: Khu vực đồng Euro không chịu tác động trực tiếp  
Vụ SVB phá sản: Khu vực đồng Euro không chịu tác động trực tiếp  

Các ngân hàng tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) không chịu tác động trực tiếp của vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ và các ngân hàng đều đang trong trạng thái hoạt động tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN