Bộ trưởng Haddad cho biết ông đưa ra nhận định trên sau cuộc gặp với đại diện của các ngân hàng thương mại lớn nhất cũng như với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB), Roberto Campos Neto, để tìm hiểu về các rủi ro lên nền kinh tế trước sự phá sản của SVB.
Ngoài ra, ông Haddad đánh giá các biện pháp do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tránh tình trạng tháo chạy vốn nói chung là "tích cực", mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ Kinh tế Brazil nhấn mạnh những thông tin được tiết lộ cho đến nay "không đủ để đo lường quy mô của vấn đề".
Tính đến nay, vụ SVB phá sản cũng như sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ là Signature Bank không tác động quá nhiều trên Sàn giao dịch chứng khoán Sao Paulo. Sau khi thông tin Signature Bank phải đóng cửa được công bố ngày 12/3, chỉ số giao dịch của sàn Sao Paolo giảm 0,45%.
Trái ngược với Brazil, những tác động từ vụ SVB phá sản được cảm nhận rõ ràng hơn tại quốc gia láng giềng Argentina. Tại thời điểm cuối giờ chiều ngày 13/3 (giờ địa phương), chỉ số S&P Merval tại sàn giao dịch cổ phiếu Buenos Aires lớn nhất Argentina đã sụt giảm 2,04%.
Cùng với đó, trái phiếu chính phủ Argentina cũng chịu tác động mạnh. Rủi ro nợ quốc gia của Argentina đã tăng vọt 6,5% lên mức 2.350 điểm cơ bản trước những lo ngại về rủi ro hệ thống tài chính.
Người đứng đầu bộ phận giao dịch vốn cổ phần tại công ty Adcap Grupo Financiero có trụ sở ở Buenos Aires, Santiago Ruiz Guiñazú, nhấn mạnh tình hình hiện tại “có vẻ” như đang được kiểm soát, nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới.
Hiện Chính phủ Argentina đang theo dõi sát sao các tác động từ vụ SVB phá sản lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong nước. Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Argentina đã sụt giảm trung bình 1,54% trong vài ngày gần đây.