Trung Quốc ồ ạt nhập đậu tương, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng mạnh?

Vài tuần gần đây, Trung Quốc bất ngờ mua mạnh đậu tương, một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Động thái này tương tự như hồi Trung Quốc ồ ạt ký các hợp đồng nhập khẩu ngô Mỹ nửa đầu năm 2021 và đã khiến giá nông sản thế giới tăng vọt lên mức cao nhất gần một thập kỷ.

Sau hơn 3 năm gồng gánh nhiều loại chi phí, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới tạm “thở phào”, thế nhưng động thái tích cực gom hàng của Trung Quốc lại một lần nữa khiến thị trường lo ngại về rủi ro giá nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng...

Trung Quốc sẽ nhập khẩu khối lượng đậu tương kỷ lục 

Hải quan Trung Quốc cho biết đã có 5,16 triệu tấn đậu tương cập cảng nước này trong tháng 10, tăng 25% so với một năm trước đó. Lũy kế nhập khẩu đậu tương trong 10 tháng đầu năm tăng 14,6% so với cùng kỳ lên 82,42 triệu tấn. Với tốc độ này, khối lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể sẽ lên mức kỷ lục 105 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ từ hai nguồn là Brazil và Mỹ.

Chú thích ảnh

Cũng theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, tháng 10 vừa qua, khối lượng đậu tương nhập khẩu vào Trung Quốc từ Brazil đã tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, nguồn cung sẵn có từ mùa vụ năm ngoái sẽ giúp Brazil chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong ba tháng cuối năm. 

Bên cạnh đó, nhu cầu đậu tương Mỹ của Trung Quốc cũng đạt con số ấn tượng trong vài tuần qua. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy nước này đã bán được 4 triệu tấn đậu tương trong tuần đầu tháng 11, khối lượng hàng tuần cao nhất từng được ghi nhận. Các chuyến hàng này sẽ được giao trong quý I năm 2024 và phần lớn điểm đến là Trung Quốc.  

Lo ngại nguồn cung thiếu, Trung Quốc tranh thủ mua hàng

Nguồn cung sẵn có toàn cầu ở mức thấp và tình hình thời tiết kém khả quan có thế ảnh hưởng tới mùa vụ của Nam Mỹ đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc đẩy mạnh thu mua đậu tương. 

Vụ đậu tương của Argentina năm ngoái đã bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán kéo dài. Mặc dù sản lượng niên vụ 23/24 dự báo sẽ hồi phục trở lại mức 48 triệu tấn từ mức 25 triệu tấn nhưng nguồn cung vụ mới hiện vẫn chưa được thu hoạch. Lượng hàng sẵn có của Argentina vẫn hạn chế, ít nhất là tới tháng 2 năm sau. Cho nên giá đậu tương Argentina đang cao hơn nhiều so với giá đậu tương Brazil được chào bán trên thị trường quốc tế với mức 537 USD/tấn, so với 508 USD/tấn. 

Chú thích ảnh

Tận dụng lợi thế cạnh tranh về giá, Brazil đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong vài tháng qua. Tuy nhiên, cũng như Argentina, lượng hàng từ quốc gia Nam Mỹ này sẽ dần trở nên khan hiếm cho tới giai đoạn thu hoạch vào đầu năm sau. Ngoài ra, tình hình mùa vụ hiện tại cũng đang trải qua không ít khó khăn. Kể từ khi bắt đầu gieo trồng, đậu tương Brazil luôn phải trải qua các điều kiện thời tiết bất lợi. Thậm chí, một số khu vực sản xuất đang đứng trước nguy cơ phải trồng lại hoặc chuyển sang các loại nông sản khác. 

Tâm lí lo ngại về khả năng nguồn cung thiếu hụt kéo theo việc Trung Quốc hướng tới lựa chọn đậu tương Mỹ vừa thu hoạch và có mức giá cạnh tranh. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Giá đậu tương đang thấp so với giai đoạn ba năm qua. Nắm được diễn biến này và đề phòng rủi ro từ nguồn cung Brazil, các nhà máy ép dầu đậu tương Trung Quốc đã ký hợp đồng mua hàng trước để bảo đảm cho nhu cầu quý I năm sau.”

Nhu cầu cao liệu khiến giá nông sản tăng vọt? 

Trong vài tuần qua, các đơn hàng bán đậu tương khối lượng lớn của Mỹ liên tục cập cảng Trung Quốc. Điều này cho thấy hoạt động mua hàng của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cho tới khi Nam Mỹ bước vào giai đoạn thu hoạch và giá đậu tương có thể cũng sẽ đi lên. 

Ông Quang Anh đánh giá bối cảnh hiện nay khá giống với năm 2021 là các nhà nhập khẩu Trung Quốc ồ ạt gom hàng nhưng nguyên nhân làm cho nhu cầu này tăng đột biến lại hoàn toàn khác nhau. Hai năm trước, doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương là để đủ nguyên liệu cho hoạt động phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả Châu Phi (ASF). Trong khi đó, động thái mua nhiều kỷ lục gần đây xuất phát từ tâm lý lo ngại về nguồn cung sắp tới và chênh lệch giá đậu tương Brazil so với Mỹ dần thu hẹp.

Thực tế, mặc dù tần suất đơn bán hàng của Mỹ tăng lên nhưng tính chung từ đầu niên vụ tới nay, xuất khẩu đậu tương vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước. Luỹ kế bán đậu tương của Mỹ đến tuần đầu của tháng 11 mới chỉ đạt 59% tổng dự báo xuất khẩu trong cả niên vụ 2023/24, tốc độ đã tăng trưởng chậm kể từ niên vụ 2008/09. 

Chú thích ảnh

Không thể phủ nhận Trung Quốc là thị trường quan trọng góp phần làm tăng cầu đậu tương thế giới trong những năm qua. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, nhập khẩu của nước này đã nhảy vọt từ 10 triệu tấn lên gần 100 triệu tấn, tỷ trọng thương mại toàn cầu cũng tăng từ 25% lên 60%. 

Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới do tăng trưởng ngành chăn nuôi nước này bắt đầu thu hẹp, chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa là những yếu tố tác động sâu sắc đến toàn bộ chuỗi cung ứng đậu tương toàn cầu.

Ông Quang Anh cho rằng thị trường đậu tương sẽ khó tăng mạnh như giai đoạn đầu năm 2021 bởi nhu cầu thực tế không có dấu hiệu tăng trưởng đột biến. Các nhà máy Trung Quốc đang mua hàng trước cho các chuyến hàng đầu năm sau do lo ngại về mùa vụ của Brazil. Tuy nhiên, sản lượng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thời tiết sắp tới. Đây cũng là yếu tố mà các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta cần lưu ý để có thể xác định được xu hướng giá nông sản và đưa ra kế hoạch mua hàng hợp lý trong vài tháng tới. 

Khánh Linh (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV))
Đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi
Đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi

Đồng USD tăng vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Tư (22/11), sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN