Thương hiệu Holcim bị ‘xóa sổ’ với giá hơn 500 triệu USD

Thương hiệu xi măng có mặt ở thị trường Việt Nam hơn 20 năm - Holcim đã hoàn toàn bị “xoá sổ” vào cuối tháng 2 vừa qua sau khi thương hiệu này thoái vốn và bán lại cho người Thái – một tập đoàn xi măng lớn thứ 2 tại Thái Lan.

Theo đó, ngày 28/2 Holcim Việt Nam đã chính thức công bố thay đổi tên doanh nghiệp thành công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam sau khi được Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) mua lại 65% cổ phần của LafargeHolcim Việt Nam. Ngày 24/3, Holcim Việt Nam công bố thay đổi thương hiệu là INSEE.

Một trong Nhà máy xi măng tại Hòn Chông của INSEE.

Theo thông cáo của SCCC, thương vụ mua bán và sát nhập này trị giá khoảng 479 triệu euro, tương đương 524 triệu USD. Trong chiến lược phát triển của mình, SCCC đã tăng cường hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông – Nam châu Á. Tập đoàn SCCC sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xi măng, cốt liệu và giải pháp xây dựng mang thương hiệu INSEE.

Trước đó, ngày 15/7/2015, Tập đoàn Holcim và Lafarge đã công bố chính thức hoàn thành việc sáp nhập, trở thành Tập đoàn LafargeHolcim – doanh nghiệp mới dẫn đầu ngành công nghiệp vật liệu xây dựng toàn cầu. Tại Việt Nam, quá trình sáp nhập giữa Holcim Việt Nam và Lafarge Việt Nam đạt được những cột mốc quan trọng trong tháng 10/2015 và đã hoàn tất vào cuối năm đó.


Cụ thể, Holcim Việt Nam và Lafarge Việt Nam đã hoàn thành hợp đồng chuyển nhượng vốn. Theo đó, Lafarge Việt Nam trở thành công ty con thuộc quyền sở hữu của Holcim Việt Nam, đưa Holcim Việt Nam trở thành một công ty lớn mạnh hơn với hơn 1.300 nhân viên làm việc tại Văn phòng chính, 5 nhà máy và trạm nghiền xi măng cùng các trạm trộn bê tông hiện đại.

Một trong những trạm nghiền xi măng tại Cát Lái của INSEE sau khi mua lại cổ phần Holcim.

Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững Holcim Việt Nam (nay là INSEE) cho biết, việc sát nhập giữa Holcim Việt Nam và Lafarge Việt Nam với mong muốn trở thành công ty số 1 trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam, tập trung vào đáp ứng nhu cầu khách hàng.


Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm vụ mua bán và sát nhập của Holcim Việt Nam và Lafarge Việt Nam diễn ra, Holcim Việt Nam lại tiếp tục thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam và đổi tên thương hiệu thành INSEE.


Bàn về vấn đề này, đại diện truyền thông INSEE cho biết, lý do thoái vốn của LafargeHolcim một phần là tái cấu trúc tập đoàn đa quốc gia có quy mô sản xuất xi măng thiết kế lớn nhất thế giới, mặt khác là do tập đoàn này không còn nhìn thấy điểm sáng ở thị trường xi măng Việt Nam sau nhiều năm tham gia.

Holcim thoái vốn tại Việt Nam, nhưng người Thái lại nghĩ khác và cho rằng thị trường xi măng tại Việt Nam rất tiềm năng.


Tuy nhiên, người Thái thì lại nghĩ khác. Theo công bố của SCCC, doanh thu của liên doanh LafargeHolcim năm 2015 là gần 5.340 tỉ đồng, tăng gần 19% so với năm trước đó, trong khi lợi nhuận ròng đạt 539 tỉ đồng, tăng hơn gấp 2 lần. Theo đó, SCCC đã mua 65% vốn của LafargeHolcim với dự đoán, tiềm năng phát triển mạnh của thị trường xi măng tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng nữa, đặc biệt là những cơ hội tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng và ngành xây dựng trong tương lai.


Ông Philippe Richart, Tổng Giám đốc của INSEE tại Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất tự tin với tình hình tăng trưởng kinh tế vĩ mô và ngành xây dựng tại Việt Nam. Việc đầu tư vào Holcim Việt Nam sẽ tạo ra cho Tập đoàn SCCC một nền tảng toàn diện để thiết lập vị thế dẫn đầu tại thị trường này và mang lại nhiều cơ hội để tiến xa hơn”.


Ông Hoàng Kim Cường, Phó Tổng Công ty Xi măng Việt Nam Vicem, cũng chia sẻ: "Việc LafargeHolcim thoái vốn khỏi Việt Nam cũng để lại sự nuối tiếc cho Vicem sau hơn 20 năm hợp tác với tập đoàn này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chào đón với các doanh nghiệp mới, cụ thể là SCCC khi vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, LafargeHolcim vẫn còn 35% vốn tại Việt Nam nên sự hỗ trợ của công ty chúng tôi với tập đoàn này trên cương vị thương hiệu mới là INSEE vẫn không có sự thay đổi nào".


Hải Yên/Báo Tin Tức
Chi phí xuất khẩu tăng, xi măng giảm sức cạnh tranh
Chi phí xuất khẩu tăng, xi măng giảm sức cạnh tranh

Sản lượng vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa nhưng giải pháp xuất khẩu lại không thể thực hiện được bởi xi măng Việt Nam đang chịu bất lợi trong cuộc cạnh tranh về giá khiến các nhà sản xuất trong nước loay hoay chưa tìm ra lối thoát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN