Hấp dẫn thị trường tiền ảo
Sau nhiều phiên giao dịch sát ngưỡng đỉnh cũ, đồng Bitcoin đã xuyên thủng ngưỡng 62.000 USD rồi 63.000 USD/Bitcoin trong tối ngày 13/4. Hiện giá Bitcoin đang dao động quanh mức 63.500 USD/Bitcoin, có lúc gần tiến sát mức 64.000 USD/Bitcoin. Như vậy, trong vòng 1 năm qua, giá đồng Bitcoin tăng gấp khoảng 9 lần, một mức lợi nhuận vượt xa tất cả những kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu hay vàng.
Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh Phố Wall ngày càng trở nên cởi mở hơn với tiền ảo, việc niêm yết trực tiếp sàn Coinbase đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Đặc biệt ngày 14/4, Coinbase chính thức trở thành công ty đại chúng trên sàn Nasdaq. Đây là công ty tiền ảo lớn đầu tiên niêm yết, được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng đối với thị trường kỹ thuật số cũng như một bài kiểm tra về mức độ ham thích của giới đầu tư đối với các công ty khởi nghiệp (startup) khác trong lĩnh vực này.
Không chỉ Bitcoin mà nhiều tiền ảo do các sàn giao dịch phát hành cũng tăng giá mạnh trước thềm vụ lên sàn của Coinbase. Điển hình, đồng Binance Coin tăng 23% trong ngày đầu tuần; Houbi Token và KuCoin Token đồng loạt đi lên.
Trước sự sôi động của tiền ảo, thị trường tiền ảo hay còn gọi là tiền điện tử tại Việt Nam sôi động trở lại khi các nhà đầu tư nhận thấy đồng tiền này có tiềm năng đầy hứa hẹn. Có thể thấy, sự xuất hiện Pi, một đơn vị tiền điện tử mới và các đơn vị tiền ảo khác trong đầu năm 2021 đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư mới tham gia.
Ở Việt Nam, tiền ảo nói chung và các loại tiền như Bitcoin, Litecoin... nói riêng vẫn không được công nhận và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư vào tiền ảo khi loại hình này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Rủi ro khó lường
Theo nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng tiền điện tử cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Nigeria. Với hàng triệu đô la được giao dịch mỗi tháng, các sàn giao dịch tiền điện tử đang là miếng mồi ngon với tội phạm mạng.
Các công ty bảo mật công nghệ cho biết, các hành vi gian lận trên giao dịch điện tử rất đa dạng và tinh vi, như thu thập thông tin của nhà phát triển và nhà đầu tư; tấn công bằng phần mềm độc hại, lừa đảo, mã độc, thông báo giả mạo, điều hướng đến website giả, DDoS… và đánh cắp khoá bảo mật ví điện tử.
Nhóm tội phạm nổi tiếng trên thế giới chuyên nhắm vào tiền điện tử hiện nay có thể kể đến Lazarus, BlueNoroff (thành viên gia đình Lazarus chuyên tấn công vào mảng tài chính) cũng được cho là đang tiến hành các cuộc tấn công liên quan đến tiền ảo ở Đông Nam Á dưới tên gọi SnatchCrypto.
Không chỉ thế, nguy cơ mất tiền còn đến từ các sàn tiền ảo và có thể bị sập bất cứ lúc nào. Nhận xét về loại hình đầu tư này, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL cho biết, mặc dù luôn được cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng, song điều khiến tiền ảo vẫn hấp dẫn giới đầu tư chính là lợi nhuận quá lớn. Nhưng mặt trái của việc phát triển đồng tiền này đã thực sự tạo ra loạt những rủi ro của kênh các kênh đầu tư tiền ảo “rác” đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Đáng lo ngại, tiền ảo “rác” có xu hướng tăng mạnh và đang “hút máu” các nhà đầu tư. Cụ thể, với lời mời chào hấp dẫn về lợi nhuận lớn từ các sàn tiền ảo, các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào các sàn tiền ảo "rác” để rồi sau một khoảng thời gian ngắn bỗng dưng sàn bị sập, lúc đó nhà đầu tư mới ngã ngửa là bị lừa. Tinh vi hơn, khi nhiều sàn giao dịch tiền ảo đã "dụ" các nhà đầu tư mua những tiền ảo thật, sau đó dùng các tiền ảo này để mua lại tiền ảo "rác" nhằm kiếm lợi nhuận cao để rồi các nhà đầu tư mất trắng số tiền đầu tư của họ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó để xử phạt tội lừa đảo đối với các ông chủ sàn giao dịch kiểu này. Bởi, nếu các nhà đầu tư góp bằng tiền thật vào tài sản còn có thể xử phạt được, nhưng nếu góp tiền ảo - một loại tiền không phải là tài sản hay phương tiện thanh toán, không có tính pháp lý nên hoàn toàn không có căn cứ để xử phạt
Chris Connell, Giám đốc Điều hành Kaspersky châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Sự phát triển tiền điện tử là một phần không thể thiếu của chuyển đổi số trong khu vực và tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích những cá nhân tiếp cận công nghệ tài chính này nên trang bị kiến thức cơ bản về các biện pháp bảo mật để giữ an toàn cho tiền điện tử của mình”.
Cụ thể, trước khi đầu tư, các nhà đầu tư hãy tìm hiểu về sàn giao dịch tiền điện tử. Những nền tảng này cung cấp phương tiện cho việc mua và bán các đơn vị tiền ảo vì có hơn 500 sàn giao dịch. Hãy nghiên cứu, đọc các phản hồi và trao đổi với các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trước khi tiến xa hơn.
Sau khi mua tiền điện tử, nhà đầu tư cần biết chọn ví điện tử để lưu giữ. Bởi có nhiều loại ví khác nhau, mỗi loại có những lợi ích, yêu cầu kĩ thuật và bảo mật cũng khác nhau. Do đó, người chơi nên tìm hiểu các lựa chọn lưu trữ trước khi đầu tư.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của chuyên gia tài chính – chứng khoán Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, đừng đặt tất cả vốn vào Bitcoin chỉ vì đó là cái tên duy nhất bạn biết. Có hàng ngàn lựa chọn và tốt nhất là chia các khoản đầu tư cho một vài đơn vị tiền khác nhau. Dù vậy, tiền ảo là một thị trường bất ổn nên nếu khả năng đầu tư hay sức khoẻ tinh thần không thể chịu đựng được những biến động, tiền ảo có thể không phải là sự đầu tư khôn ngoan.
Đặc biệt, luôn đề cao bảo mật khi giao dịch tiền ảo. Tốt nhất, nhà đầu tư nên giao dịch bằng mạng tại nhà sẽ an toàn hơn bằng mạng công cộng, nhưng bạn cần bảo mật đúng cách. Với người mới bắt đầu, bạn nên thay đổi mật khẩu mặc định của bộ định tuyến vì mật khẩu gốc thường giống nhau cho tất cả bộ định tuyến cùng mẫu, khiến Wi-fi của bạn dễ bị tấn công. Trong bất kỳ tình huống nào, tốt nhất là thực hiện tất cả giao dịch điện tử qua kênh VPN được mã hoá, việc này sẽ tạo thêm một lớp bảo mật.