Thị trường gạo châu Á
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới được báo ở mức 380-385 USD/tấn trong tuần này - không thay đổi so với tuần trước và tương tự như mức đã thấy vào giữa tháng 1/2023.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ cho biết: “Nhu cầu gạo đã cải thiện đôi chút từ các nước châu Phi, nhưng lượng đặt hàng xuất khẩu trong tháng 4/2023 vẫn còn ít”.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 460 USD/tấn vào phiên 30/3, tăng từ mức 450 USD/tấn của một tuần trước đó. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Giá tăng sau khi cơ quan thu mua lương thực của Indonesia cho biết họ sẽ mua 2 triệu tấn gạo của Việt Nam trong năm nay”.
Thương nhân này cho biết thêm: “Nguồn cung trong nước cũng đang khan hiếm mặc dù vụ thu hoạch đang diễn ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do gạo 5% tấm chỉ chiếm 15-20% sản lượng gạo Việt Nam”.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 465 USD/tấn lên 475 - 482 USD/tấn vào tuần trước. Hai thương nhân Thái Lan cho rằng sự gia tăng trên là do đồng baht mạnh hơn so với đồng USD. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, mặc dù nguồn cung mới đã bắt đầu đưa vào thị trường nhưng với số lượng không lớn.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) của Mỹ biến động ngược chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 31/3, trong đó giá ngô và đậu tương đồng loạt tăng còn giá lúa mỳ đi ngang.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2023 tăng 11 xu Mỹ (1,69%) lên 6,605 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 đứng ở mức 672925 USD/bushel, không đổi so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng tăng 31 xu Mỹ (2,1%) lên 15,055 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo dự trữ và kế hoạch gieo trồng tháng 3/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy ngô, đậu tương và lúa mỳ mùa vụ cũ có xu hướng tăng, trong khi kế hoạch gieo trồng năm 2023 đối với ngô, đậu tương và lúa mỳ vụ Xuân của Mỹ gần đạt được kỳ vọng.
Dự trữ ngô trong mùa vụ tính tới ngày 1/3 của Mỹ ở mức 7,758 triệu bushels, tăng từ mức 7,696 triệu bushels ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ đậu tương của Mỹ trong mùa vụ tính đến ngày 1/3 ở mức 1,685 triệu bushels, giảm 247 triệu bushels so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 70 triệu bushels so với ước tính. Dự trữ lúa mỳ vụ này là 946 triệu bushels, giảm 83 triệu bushels.
Mặc dù xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ tính đến giữa tháng 3/2023 giảm xuống gần mức thấp nhất trong 40 năm, nhưng số liệu yếu kém về dự trữ lúa mỳ đã hỗ trợ giá mặt hàng này.
Tổng kế hoạch trồng trọt năm 2023 của Mỹ được dự báo là 318,1 triệu mẫu Anh (1 mẫu Anh= 0,4 ha), tăng 6 triệu mẫu Anh so với năm ngoái, đánh dấu diện tích gieo hạt lớn nhất kể từ năm 2019. Cụ thể, diện tích gieo hạt ngô của Mỹ là 92 triệu mẫu Anh, tăng từ 88,6 triệu mẫu Anh vào năm 2022. Diện tích gieo hạt đậu tương của Mỹ ước tính là 87,2 triệu mẫu Anh, tương đương với năm ngoái. Tổng diện tích gieo hạt lúa mỳ năm 2023 của Mỹ đã tăng lên 49,9 triệu mẫu Anh, tăng 4,2 triệu mẫu Anh.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London (Anh) biến động trái chiều. Giá cà phê Robusta giao ngay tháng 5/2023 giảm 10 USD, xuống 2.206 USD/tấn, trong khi loại kỳ hạn giao tháng 7 tăng 2 USD, lên 2.173 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9/2023 tăng 4 USD, lên 2.138 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York (Mỹ) nối tiếp xu hướng tăng của phiên trước. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 5/2023 tăng 0,70 xu, lên 170,50 xu/lb. Loại có kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng thêm 0,70 xu, lên 169,70 xu/lb. Khối lượng giao dịch tăng lên rất cao trên mức trung bình (1lb = 0,45kg).
Thông tin lạm phát khu vực Eurozone đã giảm đáng kể nhưng báo cáo chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn ở mức cao đã kích thị trường hàng hóa đảo chiều tăng trở lại. Tuy nhiên, sức tăng vẫn chưa đáng kể do nhiều quốc gia châu Âu đang chìm đắm trong nỗi lo nợ công, khi mà cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn còn kéo dài khiến sức tiêu thụ hàng hóa bị chậm lại. Trong khi đó, những quy tắc tài chính mới ban hành của Chính phủ Brazil đã tiếp tục hỗ trợ đồng real mạnh thêm, đưa tỷ giá tăng thêm 0,54% lên ở mức 1 USD = 5,0690 real, khiến các nhà xuất khẩu không mua được hàng.