* Thị trường gạo châu Á: Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tăng
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 do nguồn cung hạn chế và tỷ giá đồng rupee tăng. Trong khi đó, với đồng nội tệ baht vững vàng và nhu cầu khởi sắc, giá gạo ở Thái Lan cũng đi lên.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ là 387-395 USD/tấn trong tuần này, tăng từ mức chỉ 375-382 USD/tấn của tuần trước. Giá gạo trắng tăng lên 435-440 USD/tấn từ mức 398-405 USD/tấn một tuần trước.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của Satyam Balajee, một nhà xuất khẩu, cho biết nhu cầu yếu do giá gạo nội địa đã tăng sau khi Chính phủ Ấn Độ hạn chế việc phân phối ngũ cốc miễn phí.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được báo giá ở mức 500-502 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 3/ 2021 - tăng từ 495 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân cho rằng nguyên nhân là do đồng baht mạnh lên và nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ. Đồng baht mạnh hơn đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao (nếu tính bằng USD).
Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Nhiều thương nhân và người mua gạo hiện áp dụng cách tiếp cận chờ đợi, do đồng baht đang ở mức cao”.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết Thái Lan đã giảm mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2023 xuống 7,5 triệu tấn (từ 8 triệu tấn), chủ yếu là do giá gạo tiếp tục đạt các mức cao kỷ lục.
Các thương nhân cho biết nguồn cung gạo đang giảm và thị trường kỳ vọng nguồn cung mới sẽ gia nhập thị trường từ vụ thu hoạch trái mùa vào giai đoạn cuối tháng Hai và tháng Ba tới.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.
“Giao dịch vẫn sẽ trầm lắng cho đến ít nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, một thương nhân có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết. Theo thương nhân này, nguồn cung sẽ duy trì ở mức thấp và sẽ không cải thiện cho đến giai đoạn sau khi vụ thu hoạch Đông Xuân bắt đầu.
Việt Nam đã xuất khẩu 226.000 tấn gạo, trị giá 114,7 triệu USD trong nửa đầu tháng 1/2022.
* Thị trường nông sản Mỹ: Diễn biến trái chiều
Giá các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều trong phiên 20/1 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, với giá ngô và đậu tương giảm trong khi giá lúa mỳ lại tăng.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2023 giảm 1 xu Mỹ (0,15%), xuống 6,7625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 tăng 7 xu Mỹ (0,95%), lên 7,415 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ giảm 8,25 xu Mỹ (0,54%), xuống 15,065 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Việc Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dự báo thời tiết ẩm ướt ở Argentina đã thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời trên thị trường nông sản.
Các chuyên gia cho rằng hai yếu tố định hướng giá nông sản trên CBOT trong thời gian tới sẽ là lượng mưa cao bất thường ở Argentina và kết quả các cuộc thảo luận đang diễn ra về việc cắt giảm sản lượng đậu tương kỷ lục ở bang Mato Grosso/Goias của Brazil.
Xuất khẩu nông sản của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/1 là 17,4 triệu bushel lúa mỳ, 44,6 triệu bushel ngô và 36,2 triệu bushel đậu tương, là mức cao nhất được kỳ vọng. Nếu tính từ đầu năm, Mỹ đã bán được 571 triệu bushel lúa mỳ, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái; 910 triệu bushel ngô, giảm 46%; và 1,668 triệu bushel đậu tương, tăng 5%.
Trong 10 ngày tới, dự kiến thời tiết tại Argentina sẽ tiếp tục ẩm ướt. Tại miền Bắc và miền Trung Brazil, lượng mưa được dự báo ở mức bình thường, vốn là điều kiện lý tưởng để thu hoạch đậu tương.
Trong thời gian tới, dự báo Brazil sẽ không ghi nhận nhiệt độ quá cao và thời tiết vẫn sẽ thuận lợi.
* Thị trường cà phê thế giới: Giá cà phê Robusta trở lại đà tăng
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe–London trở lại đà tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng thêm 26 USD, lên 1.944 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng thêm 25 USD, lên 1.909 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US–New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 0,2 xu Mỹ, lên 154,80 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 0,25 xu Mỹ, lên 155,75 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 200-300 đồng, lên dao động trong khoảng 41.700-42.100 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng sau báo cáo của Conab–Brasil cho thấy sản lượng cà phê Arabica không cao như kỳ vọng, trong khi sản lượng cà phê Robusta sụt giảm khá mạnh sau tác động tiêu cực của các đợt sương giá năm 2021 buộc người trồng phải cắt xén cải tạo lại vườn cây khiến năng suất sụt gảm.
Nhà kinh doanh Volcafe dự báo thị trường cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ thiếu hụt khoảng 5,6 triệu bao cà phê Robusta (loại 60 kg), trong đó nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới sẽ sụt giảm sản lượng xuống mức thấp 10 năm do mưa quá nhiều làm hư hại mùa màng, trong khi mức tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa Indonesia vẫn duy trì ở mức cao hai con số.