Thị trường gạo châu Á
Giá xuất khẩu gạo từ Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 trong tuần này, được hỗ trợ bởi nhu cầu vững chắc và nguồn cung hạn chế, trong khi giá gạo cao ở Thái Lan khiến người mua hạn chế giao dịch.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới được báo ở mức 393-398 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 387-395 USD/tấn của tuần trước.
Một đại lý có trụ sở tại New Delhi nói: "Chính phủ đã mua lượng gạo chưa xay xát kỷ lục từ nông dân trong năm nay. Do vậy, nguồn cung có sẵn cho các công ty tư nhân để xuất khẩu bị hạn chế".
Theo các quan chức chính phủ và ngành, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp việc chính phủ hạn chế bán ra nước ngoài, do người mua tiếp tục mua hàng vì giá cả cạnh tranh.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm nhẹ xuống 495 USD/tấn, từ mức 500 USD/tấn. Các thương nhân cho rằng giá giảm nhẹ là do nhu cầu giảm, đồng thời đổ lỗi cho việc thiếu nguồn cung và đồng nội tệ mạnh lên đã giữ giá cao, qua đó cản trở người mua.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá có thể thay đổi khi nguồn cung mới đổ vào thị trường trong đầu tháng Ba. Một thương nhân khác cho biết chi phí vận chuyển hàng hóa cao cũng góp phần làm giảm nguồn cung và đẩy giá gạo lên cao.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, không thay đổi so với hai tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Các thương lái đang nối lại hoạt động mua gạo từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng mới sau kỳ nghỉ lễ".
Còn sản lượng gạo của Bangladesh trong năm thị trường tính đến tháng 4/2023 đã được điều chỉnh tăng lên 35,8 triệu tấn./.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá nông sản tại thị trường Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 3/2, với giá ngô đi lên, còn giá lúa mỳ và đậu tương lại giảm.
Cụ thể, kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 2,25 xu Mỹ (0,33%) lên 6,775 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 4,25 xu Mỹ (0,56%) xuống 7,5675 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 2,25 xu Mỹ (0,15%) xuống 15,32 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cảnh báo không nên chạy theo các đợt tăng giá. Sau Báo cáo Vụ mùa tháng Hai sẽ là thời điểm quan trọng để theo dõi sự sụt giảm lâu dài hơn của giá đậu tương và ngô. Trong khi đó, giá lúa mì sẽ duy trì phạm vi giới hạn trong thời gian dài hơn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo bán 132.000 tấn đậu tương của nước này cho một khách hàng trong giai đoạn 2023-2024 và sẽ công bố Báo cáo Vụ mùa tháng Hai vào ngày 8/2 tới.
Dự báo về lượng mưa hạn chế được dự báo cho Argentina trong 8-9 ngày tới và mưa rào trở lại sau ngày 12/2. AgResource nghi ngại rằng Argentina sẽ quay trở lại tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Trong khi đó, thời tiết ở Brazil vẫn khá thuận lợi cho mùa màng.
Thị trường cà phê thế giới
Đồng USD tiếp tục tăng mạnh đã đẩy hầu hết hàng hóa vào thế bất lợi, giá cà phê cũng không tránh khỏi xu hướng này.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/2, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại xu hướng giảm. Giá Robusta giao tháng 3/2023 giảm 18 USD, xuống 2.031 USD/tấn và giá giao kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 14 USD, xuống còn 2.030 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York (Mỹ) cũng có cùng xu hướng giảm.
Giá Arabia kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 5,10 xu, xuống 172,80 xu/lb và giá giao kỳ hạn tháng 5/2023 giảm 4,80 xu, còn 173,30 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam giảm 200 – 300 đồng, xuống dao động trong khung 42.400 – 42.900 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng giảm do lo ngại rủi ro tăng cao khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất tiền tệ lên mức cao hơn nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế và lạm phát vượt mức.
Hiện chỉ mới vào đầu tháng Hai nhưng công ty Starbucks đã báo cáo doanh doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc đã giảm tới 29% trong quý đầu tiên, do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến làm hạn chế đi lại và số cửa hàng cà phê giải khát đóng cửa nhiều hơn, đã dẫn tới việc thanh lý các hợp đồng trên hai sàn cà phê kỳ hạn.
Ngoài ra USD tăng mạnh trở lại đã tác động tiêu cực tới các sàn hàng hóa nói chung và tỷ giá đồng nội tệ của Brazil giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần đã khuyến khích người Brazil bán cà phê xuất khẩu.