Tại Hậu Giang, lúa IR 50404 là 6.900 đồng/kg, lúa OM 18 là 7.800 đồng/kg, RVT là 8.500 đồng/kg.
Giá lúa tại Cần Thơ ở một số loại như OM 4218 là 7.600 đồng/kg, IR 50404 là 7.200 đồng/kg; Jasmine vẫn 7.800 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, lúa Đài thơm tám có giá là 8.100 đồng/kg; ST24 là 8.500 đồng/kg; OM 5451 là 7.800 đồng/kg.
Tại An Giang, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.800 - 6.900 đồng/kg; OM 5451 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 7.000 - 7.300 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.900 - 7.200 đồng/kg.
Riêng về nếp, nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 - 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 - 8.000 đồng/kg.
Hiện nhiều địa phương bước vào thu hoạch lúa Đông Xuân sớm với nhiều tín hiệu tích cực, được mùa được giá. Như vụ Đông Xuân này, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 188.857/191.500 ha, đạt 98,6% so với kế hoạch, lúa chủ yếu đang giai đoạn đẻ nhánh - trổ chín. Diện tích đã thu hoạch 56.262 ha, năng suất bình quân 68,9 tạ/ha.
Hiện việc tiêu thụ lúa chất lượng cao vụ Đông Xuân tại ruộng bán với giá 7.050 đồng/kg, giá lúa thường IR 50404 tại ruộng giá 6.400 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm Việt Nam ngày 1/2 được chào bán ở mức 473 USD/tấn; gạo 25% tấm là 453 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan và Pakistan được chào ở mức giá cao hơn so với gạo cùng loại của Việt Nam lần lượt là 493 USD/tấn và 483 USD/tấn. Ấn Độ thấp hơn và ở mức 440 USD/tấn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá nông sản tại thị trường Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 3/2, với giá ngô đi lên, còn giá lúa mỳ và đậu tương lại giảm.
Cụ thể, kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 2,25 xu Mỹ (0,33%) lên 6,775 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 4,25 xu Mỹ (0,56%) xuống 7,5675 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 2,25 xu Mỹ (0,15%) xuống 15,32 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cảnh báo không nên chạy theo các đợt tăng giá. Sau Báo cáo Vụ mùa tháng Hai sẽ là thời điểm quan trọng để theo dõi sự sụt giảm lâu dài hơn của giá đậu tương và ngô. Trong khi đó, giá lúa mì sẽ duy trì phạm vi giới hạn trong thời gian dài hơn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo bán 132.000 tấn đậu tương của nước này cho một khách hàng trong giai đoạn 2023 - 2024 và sẽ công bố Báo cáo Vụ mùa tháng Hai vào ngày 8/2 tới.
Dự báo về lượng mưa hạn chế được dự báo cho Argentina trong 8 - 9 ngày tới và mưa rào trở lại sau ngày 12/2. AgResource nghi ngại rằng Argentina sẽ quay trở lại tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Trong khi đó, thời tiết ở Brazil vẫn khá thuận lợi cho mùa màng.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, đồng USD tiếp tục tăng mạnh đã đẩy hầu hết hàng hóa vào thế bất lợi, giá cà phê cũng không tránh khỏi xu hướng này.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/2, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London trở lại xu hướng giảm. Giá Robusta giao tháng 3/2023 giảm 18 USD, xuống 2.031 USD/tấn và giá giao kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 14 USD, xuống còn 2.030 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York (Mỹ) cũng có cùng xu hướng giảm.
Giá Arabia kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 5,10 xu, xuống 172,80 xu/lb và giá giao kỳ hạn tháng 5/2023 giảm 4,80 xu, còn 173,30 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam giảm 200 - 300 đồng, xuống dao động trong khung 42.400 - 42.900 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng giảm do lo ngại rủi ro tăng cao khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt nâng lãi suất tiền tệ lên mức cao hơn nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế và lạm phát vượt mức.
Hiện chỉ mới vào đầu tháng Hai nhưng công ty Starbucks đã báo cáo doanh doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc đã giảm tới 29% trong quý đầu tiên, do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến làm hạn chế đi lại và số cửa hàng cà phê giải khát đóng cửa nhiều hơn, đã dẫn tới việc thanh lý các hợp đồng trên hai sàn cà phê kỳ hạn.
Ngoài ra USD tăng mạnh trở lại đã tác động tiêu cực tới các sàn hàng hóa nói chung và tỷ giá đồng nội tệ của Brazil giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần đã khuyến khích người Brazil bán cà phê xuất khẩu.