Giá vàng giảm xuống mức thấp của 7 tháng
Phiên 2/10, giá vàng châu Á nới rộng đà giảm trong phiên thứ sáu liên tiếp, xuống chạm mức thấp nhất trong gần 7 tháng do đồng USD mạnh lên, cùng với các nhà đầu tư xem xét báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ khi chờ đợi một loạt số liệu về thị trường việc làm trong tuần này.
Khoảng 14 giờ 33 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.842,79 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 10/3. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.858,60 USD/ounce.
Tuần trước, kim loại quý này đã ghi nhận tuần giảm giá lớn nhất kể từ tháng 6/2021 để kết thúc quý III/2023 với mức giảm 3,7%.
Đồng USD “neo” gần mức cao của 10 tháng, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rời khỏi mức “đỉnh” của 16 năm.
Dữ liệu công bố ngày 29/9 cho thấy lạm phát của Mỹ đã giảm bớt trong tháng 8/2023, với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, một thước đo lạm phát được Fed theo dõi chặt chẽ, hiện ở mức trung bình gần mục tiêu 2% trong ba tháng qua.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York John Williams cho biết Fed có thể kết thúc việc tăng lãi suất khi sức ép lạm phát, dù vẫn còn cao, đang quay trở lại mục tiêu chính thức.
Các nhà phân tích của Citi dự báo giá vàng sẽ chạm đáy vào đầu quý IV/2023 và bước vào năm 2024 trên mức 2.000 USD/ounce.
Các thị trường sẽ xem xét bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối ngày, đồng thời xem xét dữ liệu về vị trí việc làm mở, hoạt động tuyển dụng tư nhân và số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tuần này.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,4% xuống mức thấp hơn 6 tháng là 21,85 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim tăng 0,3% lên 907,13 USD và giá palladium giảm 0,3% xuống 1.241,90 USD/ounce.
Tại thị trường Hà Nội, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,30 - 69,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu đi lên khi nhu cầu tài sản rủi ro tăng
Giá dầu châu Á tăng trong phiên 2/10, hạn chế phần nào đà giảm vào cuối tuần trước, trong bối cảnh nhà đầu tư tập trung vào triển vọng nguồn cung thắt chặt, trong khi thỏa thuận vào phút cuối giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ đóng cửa đã khôi phục sự ưa thích tài sản rủi ro.
Khoảng 13 giờ 45 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 49 xu (0,5%) lên 92,69 USD/thùng, sau khi giảm 90 xu trong phiên 29/9. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 55 xu (0,6%) xuống 91,34 USD/thùng, sau khi giảm 92 xu hôm 29/9.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đã tăng gần 30% trong quý III/2023 do dự báo thâm hụt nguồn cung dầu thô lớn trong quý IV/2023 sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cho đến cuối năm 2023.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cho biết OPEC+ khó có thể điều chỉnh chính sách sản lượng dầu hiện nay khi Ủy ban giám sát chung cấp Bộ trưởng họp vào ngày 4/10 tới do nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu tăng cao thúc đẩy giá dầu tăng.
Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch NS Trading, một đơn vị của Nissan, cho biết giá dầu đã bắt đầu tuần tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung và dự kiến OPEC+ không thay đổi chính sách, trong khi việc Chính phủ Mỹ không đóng cửa vào cuối tuần qua đã giúp giảm bớt phần nào. Tuy nhiên, việc thị trường có tăng thêm hay không sẽ phụ thuộc vào xu hướng nhu cầu trong tương lai.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING cho biết mặc dù OPEC+ dự kiến sẽ không thay đổi chính sách sản lượng do đà tăng giá gần đây trên thị trường, song Saudi Arabia có thể bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết trong tuần tính đến ngày 29/9, số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã giảm 7 giàn xuống còn 623 giàn trong tuần tính đến ngày 29/9, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Theo cuộc khảo sát của 42 nhà kinh tế do Reuters tổng hợp ngày 29/9, giá dầu Brent được dự báo sẽ đạt trung bình 89,85 USD/thùng trong quý IV/2023 và 86,45 USD/thùng vào năm 2024.
Chứng khoán châu Á phần lớn giảm
Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm trong phiên 2/10 trong bối cảnh sự trấn an trước việc Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận vào phút chót để tránh việc chính phủ đóng cửa đã nhường chỗ cho những lo ngại mới về lãi suất.
Tạm thời sự chú ý của nhà đầu tư đang quay trở lại với triển vọng lãi suất của Mỹ, trong đó có bài phát biểu của Chủ tịch Fed vào cuối ngày hôm nay và dữ liệu việc làm quan trọng sẽ được công bố trong tuần này.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 31.759,88 điểm. Còn tại thị trường Trung Quốc gồm Hong Kong và Thượng Hải đóng cửa nghỉ lể Quốc khánh.
Chứng khoán Singapore, Sydney, Wellington, Kuala Lumpur và Manila cũng giao dịch trong vùng đỏ, còn chứng khoán Jakarta và Bangkok tăng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng yen suy yếu xuống mức 150 yen/USD. Sự suy yếu của đồng yen làm dấy lên đồn đoán chính phủ có thể can thiệp để thúc đẩy đồng nội tệ này trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Nhật Bản kiên quyết giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, trong khi Fed cân nhắc tiếp tục tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 1,1 điểm lên 1.155,25 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,37 điểm lên 236,72 điểm.