Giá vàng châu Á tăng trong lúc thị trường chờ đợi số liệu việc làm Mỹ
Giá vàng châu Á tăng trong phiên 6/12, trong bối cảnh đồng USD giảm và số liệu việc làm yếu hơn dự kiến của Mỹ đã củng cố đồn đoán chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sắp kết thúc.
Khoảng 15 giờ 17 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 2.034,09 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,8% lên 2.051,50 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson tại City Index cho biết, sự biến động của giá vàng có thể vẫn bị giới hạn trước số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, công bố ngày 8/12.
Giá vàng đã có lúc tăng lên mức cao kỷ lục 2.135,40 USD/ounce trong phiên ngày 4/12 do các thị trường đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, sau đó kim loại quý này giảm hơn 100 USD trong cùng phiên do sự không chắc chắn về thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Số liệu công bố ngày 5/12 cho thấy vị trí việc làm còn trống tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp của hai năm rưỡi trong tháng 10/2023, cho thấy lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu về lao động.
Chỉ số đồng USD đã giảm 0,1% so với rổ tiền tệ chính sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai tuần hôm 5/12, giúp vàng rẻ hơn cho người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng đến số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 11/2023 của Mỹ, công bố ngày 8/12. Dữ liệu này có thể cung cấp thêm manh mối về triển vọng lãi suất trước cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện đang đoán định khoảng 60% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Lãi suất thấp thường hỗ trợ tài sản không sinh lời như vàng.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, giá vàng giao ngay có thể tiến lên khoảng 2.033-2.039 USD/ounce khi kim loại quý này ổn định quanh mức hỗ trợ 2.009 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 24,26 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 901,93 USD/ounce, còn giá Palladium tăng 0,9% lên 942,96 USD/ounce sau khi chạm mức thấp của 5 năm hôm 5/12.
Tại Việt Nam, lúc 15 giờ 36 phút, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,00 - 74,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á tăng nhẹ
Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên 6/12 sau khi giảm bốn phiên liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc hiệu quả của việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các nước đồng minh, nhóm OPEC+ nhằm thắt chặt nguồn cung trước những lo ngại về triển vọng nhu cầu yếu kém của Trung Quốc.
Khoảng 14 giờ 09 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 17 xu lên 77,37 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 6 xu lên 72,38 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 6/7 trong phiên trước đó, trong đó dầu WTI trải qua bốn phiên giảm giá liên tiếp.
Người đứng đầu nhóm năng lượng tại DBS Bank, ông Suvro Sarkar cho biết thông tin tích cực duy nhất trong những ngày qua là các quan chức Saudi Arabia và Nga thông báo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể được duy trì hoặc cắt giảm sâu hơn tùy thuộc vào tình hình của thị trường. Ngoài ra, thị trường dầu không có chất xúc tác tích cực nào trong thời gian tới.
OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024 vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức cắt giảm trên bao gồm việc gia cắt mức cắt giảm tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia và Nga.
Các nhà phân tích cho biết những lo ngại về tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Israel-Hamas đối với nguồn cung cũng tạo ra thời gian nghỉ ngơi cho những đợt giảm giá trước đó.
Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết mức tăng của giá dầu phiên ngày hôm nay có thể chỉ là sự phục hồi mang tính kỹ thuật. Ông cho biết, hiện giá dầu đã bước vào xu hướng giảm. Bên cạnh đó lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ tăng lên, dẫn đến giá loại hàng hóa này có thể giảm xuống dưới mốc 70 USD/thùng.
Những lo ngại về tình trạng kinh tế của Trung Quốc, có thể hạn chế nhu cầu nhiên liệu nói chung tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, cũng gây sức ép lên thị trường.
Ngày 5/12, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng A1 của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do "rủi ro gia tăng liên quan đến tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn liên tục và có cấu trúc, cũng như việc thu hẹp quy mô lĩnh vực bất động sản.
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu thương mại sơ bộ, bao gồm số liệu nhập khẩu dầu vào ngày 7/12. Trong khi đó, Mỹ sẽ công bố số liệu dự trữ dầu trong ngày 6/12 (theo giờ địa phương).
Chứng khoán châu Á hầu hết đi lên
Chứng khoán châu Á phần lớn tăng trong phiên ngày 6/12 sau sự khởi đầu tuần mới đầy ảm đạm do số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ suy yếu làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm mới.
Số liệu về vị trí việc làm còn trống của Mỹ thấp hơn dự báo đã làm gia tăng sự lạc quan của thị trường trước báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp được theo dõi sát cao của Mỹ, dự kiến công bố ngày 8/12. Nhà đầu tư hy vọng số liệu này có thể xác nhận nhận định của Fed về thể trạng kinh tế Mỹ.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 2& lên 33.445,90 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8% lên 16.463,26 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 2.968,93 điểm, sau khi Moody's ngày 5/12 cảnh báo đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc do mức nợ ngày càng tăng của nước này và những lo ngại về lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.
Chứng khoán Sydney, Singapore, Seoul, Bangkok, Mumbai, Wellington, Đài Bắc và Jakarta cũng giao dịch trong vùng xanh.
Các thị trường đã tăng trong tháng 11/2023 do hy vọng ngày càng tăng rằng lạm phát tiếp tục giảm và các thành phần kinh tế khác cũng giảm, do đó Fed có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sớm nhất là vào quý I/2024.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 10,46 điểm (0,94%) lên 1.126,43 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2,29 điểm (0,99%) lên 233,63 điểm.