Đã có 24 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt suy yếu, kéo chỉ số MXV-Index giảm mạnh 1,17% xuống 2.156 điểm, thấp nhất trong hơn 4 tháng trở lại đây. Mặc dù vậy, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng nhẹ đạt gần 4.900 tỷ đồng.
Nhóm kim loại dẫn dắt xu hướng chung của thị trường, trong đó, giá bạc đánh mất 3,67% so với hôm qua. Giá dầu cũng giảm phiên thứ ba liên tiếp do thị trường có nhiều hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+.
Giá bạc chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp
Sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại ngày giao dịch đầu tuần. Nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm, chốt phiên giảm 3,67% về 24,9 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Giá bạch kim cũng giảm 1,18% so với mức tham chiếu, đóng cửa tại mức 925,1 USD/ounce.
Giá bạc và giá bạch kim đã có phiên biến động khá mạnh khi giá bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên khi xung đột Trung Đột leo thang. Theo tờ Times of Israel, sáng ngày 3/12 theo giờ địa phương, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích và tấn công pháo binh quy mô lớn vào toàn bộ Dải Gaza. Cuộc chiến sau đó có thể chuyển sang giai đoạn cường độ thấp. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư tăng cường tích trữ kim loại quý làm tài sản trú ẩn an toàn. Tuy vậy, tới phiên chiều, giá đã có sự điều chỉnh giảm khi những căng thẳng chiến tranh đã được xoa dịu một phần.
Hơn nữa, thêm vào áp lực lên giá, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 0,43% lên 103,71 điểm, mức cao nhất trong một tuần. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng bật tăng lên 4,26%. Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng lên khi nhà đầu tư cho rằng thị trường đang quá lạc quan về cơ hội cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào đầu năm tới.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu suy yếu sau hai phiên tăng liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,83 USD/pound sau khi để mất 2,44%. Giá quặng sắt cũng giảm 1,67% về 130,38 USD/tấn. Đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố gây giảm giá đồng và giá quặng sắt trong phiên hôm qua.
Hơn nữa, đối với đồng, giá quay đầu giảm do rủi ro nguồn cung đã được xoa dịu phần nào. Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, báo cáo sản lượng đồng tháng 10 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường quặng sắt, giá sắt vẫn đang phải chịu áp lực bởi có sự can thiệp từ Chính phủ Trung Quốc nhằm kìm đà tăng giá.
Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường dầu thô, giá tiếp tục đi xuống
Đầu tuần, giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp khi thị trường có nhiều hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,39% xuống 73,04 USD. Dầu Brent giảm 1,08% xuống 78,03 USD/thùng.
Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường trong phần lớn ngày. Việc trì hoãn cuộc họp chính sách và sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên thuộc OPEC+ khiến thị trường đặt dấu chấm hỏi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày.
Hơn nữa, sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ cũng gây thách thức đối với Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác thuộc OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng để kéo giá phục hồi. Theo đánh giá của chuyên gia thị trường năng lượng được Reuters trích dẫn, Saudi Arabia có thể tăng sản lượng thêm 2,5 triệu thùng/ngày thay vì hạn chế sản xuất, để giành lại quyền kiểm soát giá. Giá giảm sẽ buộc nhiều nhà sản xuất phải rời khỏi thị trường do biên lợi nhuận thu hẹp, trong khi Saudi vẫn sẽ tiếp tục bơm dầu vì nước này chịu được giá thấp hơn.
Ngoài ra, việc nạp dầu từ cảng Novorossiisk ở biển Đen của Nga được nối lại sau cơn bão cũng giảm bớt lo ngại nguồn cung gián đoạn, góp phần gây sức ép lên giá. Dữ liệu từ các thương nhân và LSEG cho thấy xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển từ các cảng của Nga đã tăng 8,5% trong tháng 11 so với một tháng trước, lên khoảng 2,8 triệu tấn, sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ và các nhà máy đẩy mạnh công suất hoạt động. Trong ba tuần đầu tiên của tháng 11, sản lượng dầu diesel từ các nhà máy lọc dầu của Nga đã tăng gần 11% so với mức trung bình trong tháng 10 lên 238.120 tấn/ngày.