Những diễn biến đang xảy ra ở Ukraine làm thị trường lo ngại trầm trọng thêm về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Giá dầu Brent tăng 2,24 USD (2,3%) lên 99,08 USD/thùng, sau khi chạm mức 105,79 USD/thùng trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 71 xu Mỹ (0,8%) lên 92,81 USD/thùng, sau khi tăng lên 100,54 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI lần lượt đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 và tháng 7/2014.
Giá dầu giảm dần vào cuối phiên giao dịch sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đang thảo luận với các nước khác để cung cấp thêm dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược toàn cầu.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Với lượng dự trữ thấp và công suất dự phòng giảm, thị trường dầu mỏ sẽ không thể chịu được sự gián đoạn nguồn cung lâu dài. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, chiếm khoảng 35% nguồn cung.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô thương mại đã tăng 4,5 triệu thùng lên 416 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 400.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Trên thế giới nguồn cung dầu vẫn khan hiếm do nhu cầu phục hồi từ mức thấp của đại dịch. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu Brent có khả năng duy trì trên 100 USD/thùng cho đến khi có nguồn cung thay thế đáng kể từ dầu đá phiến của Mỹ hoặc Iran.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu nếu giá dầu lên tới 100 USD/thùng, đặc biệt là đối với châu Á, nơi nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng. Nhà kinh tế Frederic Neumann của HSBC cho biết: “Gót chân Achilles của châu Á vẫn là nhu cầu nhập khẩu lớn đối với năng lượng, giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân trong năm tới”.