Tăng niềm tin vào trái phiếu Chính phủ

Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân tăng mạnh nhưng thanh khoản trái phiếu Chính phủ gia tăng là những minh chứng thực tế nhất về niềm tin của nhà đầu tư đối với Chính phủ và triển vọng kinh tế đất nước đã được cải thiện mạnh mẽ.

Đây là thông tin Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.

Xin ông cho biết những nét chính đáng chú ý trên thị trường trái phiếu Chính phủ trong năm 2017?


Mặc dù quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ chưa có thay đổi lớn, ổn định ở mức khoảng 21% GDP từ năm 2016 đến nay nhưng thanh khoản thị trường sơ cấp (là nơi diễn ra quá trình mua bán lần đầu các chứng khoán mới phát hành) và thứ cấp (nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp) đều tăng khá ấn tượng.

Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đối với thị trường sơ cấp, đến nay Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành xấp xỉ 90% kế hoạch huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ với số lượng 170 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn phát hành bình quân tăng nhanh từ mức 6 năm (năm 2015) lên 14 năm (năm 2017).

Hiện tỷ trọng huy động đối với kỳ hạn dài từ 20 - 30 năm đạt xấp xỉ 30% tổng khối lượng phát hành, trong khi năm 2016 chỉ ở mức 10% và năm 2015 chỉ là 0%.

Đối với thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch mua đứt bán đoạn (outright) bình quân phiên trong năm 2017 tăng thêm gần 2 lần so với năm 2015, lên mức 4,5 nghìn tỷ đồng và tỷ trọng giao dịch thứ cấp ở dải kỳ hạn từ 20 năm trở lên nhảy vọt từ mức 0% của 2 năm trước, lên mức 13% trong năm nay.

Cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường cũng đa dạng hơn. Bên cạnh các ngân hàng thương mại trong nước, thị trường ghi nhận sự tham gia tích cực hơn của các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi cũng như các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Ước tính tỷ trọng nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng nhà nước giảm xuống còn khoảng từ 50 - 55% và chuyển dịch sang bảo hiểm xã hội khoảng 34 - 35%, công ty bảo hiểm khác chiếm 6 - 7%…

Lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm đồng loạt trên tất cả các kỳ hạn và thiết lập mức đáy mới trong lịch sử. Tính đến hiện tại, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm giao dịch quanh khoảng 4,5 - 4,6%/năm, giảm khoảng 1% so với đầu năm nay và giảm 8% so với năm đầu tiên Chính phủ triển khai tái cấu trúc nền kinh tế (cuối năm 2011 đến đầu năm 2012).

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng bởi lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân tăng mạnh đi cùng với thanh khoản gia tăng là những minh chứng thực tế nhất về việc niềm tin của nhà đầu tư đối với Chính phủ và triển vọng kinh tế đất nước đã được cải thiện mạnh mẽ.

Trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, thị trường trái phiếu Chính phủ có vai trò thế nào thưa ông?

Với sự phát triển đồng thời về cả chiều rộng và chiều sâu của thị trường trái phiếu Chính phủ như đã đề cập ở trên, Chính phủ đã có một kênh huy động vốn công khai, minh bạch để có thể chủ động và linh hoạt hơn rất nhiều trong quá trình quản lý dòng tiền của ngân sách nhà nước.

Sự chủ động và linh hoạt ở đây bao gồm cả về quy mô, khối lượng, kỳ hạn và cả chi phí huy động. Nếu như năm 2010 Kho bạc Nhà nước chỉ mới huy động được 30 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (không tính trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương) thì đến năm 2016 con số này đã lên tới gần 300 nghìn tỷ đồng, gấp 10 lần.

Hay về kỳ hạn, năm 2010 chỉ mới phát hành phổ biến đến kỳ hạn 2 - 3 năm thì đến năm 2017 con số này đã là 20 - 30 năm, cũng gấp 10 lần.

Một điểm quan trọng tiếp theo là thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển đã tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Với sự gia tăng nhanh chóng của lượng trái phiếu Chính phủ được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại (hiện gần 700 nghìn tỷ đồng), ngân hàng thương mại đã có thể triển khai mạnh mẽ các công cụ điều hành gián tiếp (thị trường mở, chiết khấu giá trị gia tăng…) thay vì chủ đạo là các công cụ trực tiếp và biện pháp hành chính như trước đây.

Chính sách tiền tệ theo đó đã đạt được những bước tiến quan trọng, đảm bảo giữ vững sự ổn định của thị trường tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn vừa qua.

Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ, thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cộng với sự đa dạng về kỳ hạn và nền tảng nhà đầu tư tăng mạnh đã làm cho đường cong lãi suất chuẩn của thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam ngày càng trở lên đáng tin cậy. Đồng thời, phản ánh ngày càng chính xác hơn lãi suất của thị trường để làm cơ sở định giá các công cụ và sản phẩm nợ khác.

Vậy xin ông cho biết, cần có những giải pháp gì để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới?

Để đáp ứng những nhu cầu phát triển mới của thị trường trái phiếu, đồng thời đưa ra những định hướng mới, mục tiêu mới làm kim chỉ nam dẫn dắt cho sự phát triển thị trường trong thời gian tới, ngày 14/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Về cơ bản, lộ trình đã nêu bật được những giải pháp tổng thể, đồng bộ, đa dạng nhưng rất cụ thể và cần thiết để giải quyết được các vấn đề tồn tại chính hiện nay của thị trường trái phiếu Việt Nam như: khung pháp lý - cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm chưa đa dạng, nền tảng nhà đầu tư mỏng…

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất còn lại bây giờ chỉ là cần một sự đoàn kết, chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chủ yếu là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và sự tham gia tích cực của các thành viên thị trường để thực hiện những mục tiêu, giải pháp đã đề ra theo đúng lộ trình.

Cuối cùng, khuôn khổ thị trường trái phiếu Chính phủ hoàn thiện vẫn chưa đủ. Để thị trường trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát triển bền vững, lành mạnh, Chính phủ Việt Nam với vai trò là bên vay vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần tiếp tục kiên định, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng để tạo lập sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Qua đó nâng cao hình ảnh, uy tín, sự tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong quốc gia cũng như trên trường quốc tế.

Xin ông cho biết thêm về mối quan hệ giữa giao dịch trái phiếu Chính phủ với việc giải ngân vốn đầu tư công? Có ý kiến cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nếu vậy thì giao dịch trái phiếu Chính phủ có thể bị tác động như thế nào?

Trong điều kiện thực tế của năm nay là giải ngân vốn đầu tư công chậm thì rõ ràng cũng sẽ tác động đến thị trường trái phiếu Chính phủ trên một số góc độ.

Từ phía đơn vị phát hành là Kho bạc Nhà nước, nhu cầu huy động vốn qua thị trường trái phiếu Chính phủ có thể giảm xuống và thực tế vừa qua Kho bạc Nhà nước công bố kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ Quý IV ở mức 21 nghìn tỷ đồng. Như vậy, năm 2017 huy động trái phiếu Chính phủ là 170 nghìn tỷ đồng, giảm 13 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch dự kiến cả năm. 

Tuy  nhiên, khi áp lực huy động vốn giảm xuống, nguồn cung khan hiếm hơn thì từ phía người bán là Kho bạc Nhà nước cũng sẽ có lợi thế “tạo lập giá” so với phía người mua là các nhà đầu tư.

Còn từ phía các nhà đầu tư, khi giải ngân đầu tư công chậm làm gia tăng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước trong hệ thống ngân hàng, khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào. Điều này cũng tạo môi trường để giữ thị trường trái phiếu Chính phủ ổn định.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công chậm lại cũng có thể được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực là hoạt động đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ hướng tới hiệu quả hơn, tái cơ cấu đầu tư công bắt đầu có kết quả  sẽ làm cho niềm tin của nhà đầu tư vào Chính phủ tiếp tục được cải thiện và họ sẽ sẵn sàng nắm giữ nhiều hơn trái phiếu Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Văn Giáp (TTXVN)
Tháng 11, huy động hơn 9,1 nghìn tỷ đồng qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ
Tháng 11, huy động hơn 9,1 nghìn tỷ đồng qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ

Tháng 11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 31 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 9.153 tỷ đồng trái phiếu, tăng 21,8% so với tháng 10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN