Các sản phẩm sạch được tiêu thụ nhiều tại các hệ thống siêu thị bán lẻ. Ảnh: CTV |
Xu thế toàn cầu hiện đang hướng đến tăng trưởng xanh, doanh nghiệp có quy trình sản xuất xanh, sản phẩm sạch vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa thân thiện với môi trường luôn có lợi thế hơn. Theo đó, những mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả như nuôi cá hữu cơ (An Giang), tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau… với tổng diện tích 10.000 ha để xuất khẩu sang EU. Hay một số doanh nghiệp khác đi đầu trong sản xuất hữu cơ có thể kể đến như công ty Viễn Phú sản xuất lúa, cá tại Cà Mau, Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ… đang được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Mặc dù biết rõ lợi ích của việc sản xuất sản phẩm sạch hay sản phẩm hữu cơ, nhưng sau khi phát triển mô hình sản xuất sạch, doanh nghiệp lại khá băn khoăn vì chi phí cao lại khó tìm đầu ra. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho rằng, việc sản xuất sản phẩm hữu cơ không đơn giản khi thực hiện. Hiện công ty đang tài trợ bao tiêu đầu ra cho sản xuất gạo organic, nhưng do chi phí khá cao nên cũng khá kén người mua. Theo đó, chi phí trả cho 1 kg gạo VietGap là 12.000 đồng, đã góp phần đẩy giá gạo thành phẩm phải bán trên 30.000 đồng/kg gây nhiều khó khăn về cạnh tranh. Chính vì lẽ này, trước đây An Giang từng hỗ trợ cho nông dân sản xuất 37,8 ha lúa hữu cơ nhưng chỉ một thời gian phải từ bỏ do chi phí cao.
Tương tự, nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Dự án hoạt động được ba vụ, đạt được những mục tiêu đề ra như: sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đem lại môi trường sống tốt hơn, xây dựng được mô hình gắn kết bốn nhà (nhà sản xuất - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nước)...
"Sản phẩm này ra thị trường không có lời khi kinh doanh. Ví dụ như giá gạo giống Jasmine 100 được bán tại hệ thống Saigon Co.op là 29.000 đồng/kg, trong khi giá tới kho đã hơn 27.000 đồng/kg, chưa kể chi phí quản lý, chi phí giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng... Hiện nay, thị trường sản phẩm sạch đang diễn ra nghịch lý, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả giá cao cho sản phẩm xanh - sạch nhưng người sản xuất ngại sản xuất sạch do chi phí cao, lợi nhuận thấp và bí đầu ra", ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay.
Nói về chi phí sản xuất sản phẩm hữu cơ cao nhưng lợi nhuận thấp, không ít nông dân đã đưa ra phép tính cụ thể. Cụ thể: Nếu như năng suất lúa hữu cơ hơn 4 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg, nhưng do chi phí đầu tư cao (tổng chi phí là 3,2 triệu đồng/ha) nên lợi nhuận chỉ là 1,2 triệu đồng/ha. Trong khi đó, sản xuất lúa thông thường năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, giá bán khoảng 5.400 đồng/kg và chi phí đầu tư thấp hơn nhiều (khoảng 1,7 triệu đồng/ha) thì người nông dân vẫn thấy có lời hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện có tới hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền để mua được các sản phẩm có chứng nhận đảm bảo xanh, sạch và nguyên liệu thân thiện môi trường. Vì vậy, để giải bài toán tìm đầu ra cho nông sản “sạch” các doanh nghiệp cần hạ giá bán sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Mặt khác, cũng cần có những giải pháp kỹ thuật, công nghệ để cải tạo đất đai, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất.
"Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Do đó, TP Hồ Chí Minh đang rất cần nguồn sản phẩm nông sản an toàn để tiêu thụ. Nếu doanh nghiệp sản xuất nào tận dụng được cơ hội này chắc chắn sẽ tìm được đầu ra cho sản phẩm sạch của mình. Người tiêu dùng cũng sẽ được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi tiêu thụ sản phẩm sạch, hữu cơ, sản phẩm xanh", ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nói thêm.