Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng” trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Làm sao để đưa các thực phẩm sạch, trong đó có mặt hàng rau xanh đến người tiêu dùng, đang được các ngành chức năng của Thủ đô khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, hành trình đưa những sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng không phải là điều đơn giản. Việc quản lý chất lượng rau, thịt đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Vẫn còn mối lo Hưởng ứng Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 với chủ đề “sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, từ ngày 15/4 – 15/5, thành phố Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với hoạt động sản suất, kinh doanh, lưu thông, phân phối rau, thịt; đảm bảo nguồn gốc rau, thịt và an toàn vệ sinh thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường học; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kiểm tra tại 2 cửa hàng bán sản phẩm sạch tại chợ Hà Đông ngày 7/5 cho thấy, các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được tuân thủ nghiêm túc. Cơ sở kinh doanh các sản phẩm hoa quả tươi, hoa quả nhập khẩu, rau an toàn thuộc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Hòa Bình có đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh buôn bán rau, quả. Tuy nhiên, Cửa hàng bán rau, thực phẩm sạch Thiên Lý mặc dù đã đi vào hoạt động được gần 6 tháng nhưng tại thời điểm kiểm tra thì chưa xuất trình được các giấy tờ đảm bảo điều kiện kinh doanh như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp đồng mua bán, hóa đơn nhập hàng…
Đánh giá về những chuyển biến qua đợt kiểm tra này, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh rau và thịt trong Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm 2015 cho thấy ý thức chấp hành quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh đã được nâng lên. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh rau sạch an toàn cần đảm bảo chặt chẽ về thủ tục cấp kinh doanh, ký hợp đồng giữa cơ sở sản xuất và người kinh doanh để đảm bảo bán cho người tiêu dùng đúng sản phẩm mà họ sản xuất.
Ngoài ra, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở sản xuất cho tới kinh doanh để đảm bảo kinh doanh đúng sản phẩm được niêm yết, quảng cáo. Người sản xuất phải thực hiện đúng quy trình sản xuất của mình. Các hợp tác xã và địa phương, đặc biệt ngành nông nghiệp cần tăng cường giám sát, phối hợp kiểm tra giữa cơ sở kinh doanh với sản xuất để đảm bảo kinh doanh đúng sản phẩm sản xuất ra, đúng như quảng cáo để người dân yên tâm khi sử dụng.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Tìm về nơi cung cấp rau sạch cho cửa hàng Thiên Lý tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, đoàn kiểm tra đã được chị Nguyễn Thị Huệ, nhóm nông dân thôn chợ Nga xác nhận việc bán rau sạch cho cửa hàng Thiên Lý. Chị Huệ cho biết hiện thu gom của 5 nhóm sản xuất trung bình mỗi ngày bán ra thị trường Hà Nội từ 3 – 4 tạ sản phẩm.
Cơ sở sản xuất rau sạch thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, đang cung cấp cho 7 đơn vị tại Hà Nội như chuỗi cửa hàng của Vinagap, Tràng An, Bác Tôm… và một số cửa hàng nhỏ, lẻ. Khẳng định sản phẩm của mình đúng là sản phẩm sạch, ông Hoàng Văn Hưng, trưởng nhóm Ánh Dương, chủ cơ sở sản xuất rau sạch thôn Bái Thượng (huyện Sóc Sơn) cho biết, là một trong những cơ sở sản xuất rau sạch của huyện Sóc Sơn được Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) hỗ trợ sản xuất rau sạch, từ năm 2008 đến nay, Cơ sở đã mở rộng được diện tích 4,2 ha rau sạch, mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội 600 kg rau. Việc sản xuất rau sạch đã được cơ sở tuân thủ đúng quy trình sản xuất hoạt động theo nguyên tắc của bộ tiêu chuẩn quốc tế IFOAM. Cùng với việc các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm ra, giám sát, đơn vị cũng rất ý thức trong việc mua bán sản phẩm có hợp đồng và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là vấn đề “sống còn” trong sản phẩm của cơ sở.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để đảm bảo cho người dân được sử dụng đúng chất lượng rau sạch, an toàn, rau hữu cơ thì cần tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh để họ chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình kinh doanh; cần thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất rau sạch cũng như sản lượng rau sạch sản xuất ra cung ứng cho cửa hàng có đúng khả năng sản xuất của cơ sở ấy với khả năng cung ứng cho thị trường hay không. Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế cho thấy thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ rất vất vả, người dân phải mất nhiều công sức mới có sản phẩm rau như vậy. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho người sản xuất để họ đảm bảo thu nhập của mình thì mới có thể yên tâm sản xuất đúng tiêu chuẩn rau an toàn. Mặt khác, bản thân người sản xuất cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Như vậy, con đường để đưa các sản phẩm sạch, an toàn đến với người dân không đơn giản nhưng không phải là không thực hiện được nếu như người sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý và người tiêu dùng cùng nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuyết Mai (TTXVN)