Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong những tuần tới do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 8,62 USD (8,79%) lên 106,64 USD/thùng, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ giữa năm 2020. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7,94 USD (8,35%) lên 102,98 USD / thùng.
Trong những tuần qua, giá dầu đã trải qua giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Sau khi trượt xuống do hoạt động bán ra chốt lời của giới giao dịch, giá dầu đã phục hồi với kỳ vọng tình trạng thiếu hụt sẽ sớm siết chặt thị trường năng lượng.
Tám phiên giao dịch gần đây, giá dầu Brent đã giao dịch ở mức cao nhất là 139 USD/thùng và thấp nhất là 98 USD/thùng - chênh lệch hơn 40 USD. Các nhà phân tích cho rằng sự chênh lệch này đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường, qua đó tạo điều kiện cho những biến động giá mạnh hơn trong những tuần tới.
John Kilduff, đối tác của công ty môi giới Again Capital LLC (Mỹ), nhận định thị trường đang lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính kể từ tháng Tư các thị trường có thể mất 3 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga. Trong một báo cáo, IEA lưu ý tình trạng sụt giảm nguồn cung sẽ lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu cao hơn.
Ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý III/2022 thêm 20 USD lên 120 USD/thùng, với dự đoán sản lượng dầu của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng Tư.