VN-Index đóng cửa tuần (từ 14 - 18/2) trên mốc 1.500 điểm, đây cũng là tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số này. Tuy nhiên, dòng tiền đang vào thị trường khá yếu, vì vậy chuyên gia từ công ty chứng khoán nhận định rằng, xu hướng hồi phục của thị trường trong tuần tới (từ 21 - 25/2) vẫn chưa chắc chắn và chiến lược đầu tư thích hợp được khuyến nghị sẽ là giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn.
Tạo nền tích lũy quanh vùng 1.500 điểm
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), tuần giao dịch qua tương đối kịch tính, khi mà có hàng loạt các thông tin tiêu cực trên thị trường như việc lạm phát tại một số nước lớn tăng mạnh, cũng như căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ucraina leo thang.
Tuy vậy, lực cầu tại những vùng giá thấp vẫn là tương đối tốt giúp chỉ số nhanh chóng hồi phục và VN-Index có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, VN-Index tăng 0,2% lên 1.504,84 điểm. Bên cạnh đó, HNX- Index diễn biến tích cực khi tăng 2,04% lên mức 435,61 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản trong tuần qua tiếp tục không được tích cực khi chỉ xấp xỉ tuần trước đó và đây đã là tuần thứ 4 liên tiếp thanh khoản ở mức dưới trung bình, với khoảng 23.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Khối ngoại giao dịch tuần qua diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhưng cũng kém sôi động so với tuần trước đó. Tính chung toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khối lượng 23,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.544 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng sau khi là "người hùng" trong tuần trước đó đã đảo chiều giảm mạnh trong tuần qua với 4,2% giá trị vốn hóa, tạo nên áp lực điều chỉnh lên thị trường. Theo đó, VPB giảm 1,9%, VCB giảm 3,1%, MBB giảm 3,8%, TCB giảm 3,9%, ACB giảm 5,2%, SHB giảm 5,5%, CTG giảm 6%, BID giảm 6,7%...
Rất may là các nhóm cổ phiếu còn lại đều có mức tăng trưởng để "đỡ" thị trường. Có thể kể đến ngành dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 4,5% giá trị vốn hóa, nhờ sự đóng góp tích cực của các cổ phiếu bán lẻ như: DGW tăng 3,6%, FRT tăng 3,5%..., cổ phiếu hàng không như: ACV tăng 3,7%, HVN tăng 4,2%, VJC tăng 12,2%...
Bên cạnh đó, ngành hàng tiêu dùng tăng 3,8% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ mức tăng mạnh của trụ cột trong nhóm là MSN tăng 9%. Ngành dược phẩm và y tế 3,9% giá trị vốn hóa. Các mã tăng mạnh trong nhóm này như: DHG tăng 7,3%, IMP tăng 2%, TRA tăng 1,4%... Các ngành khác đều tăng như: công nghiệp tăng 3,6% giá trị vốn hóa, tiện ích cộng đồng tăng 2,7%, tài chính tăng 1,9%, công nghệ thông tin tăng 0,9%, nguyên vật liệu tăng 0,2%.
Theo SHS, dù thị trường trụ vững trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm giúp củng cố tâm lý của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, nhưng việc dòng tiền vẫn đang vào thị trường khá yếu thể hiện qua mức thanh khoản có tuần thứ tư liên tiếp thấp hơn trung bình.
Trong tuần giao dịch tiếp theo, từ 21-25/2, nếu dòng tiền chưa có được sự cải thiện thì chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến giằng co và tích lũy trong khu vực 1.480-1.520 điểm.
Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để hướng đến vùng kháng cự 1.530-1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới, SHS khuyến nghị
Dưới góc nhìn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), dù chỉ số chung đang phát đi nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi kết tuần trên 1.500 điểm, bất chấp những thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới, nhưng chỉ số vẫn sẽ có xu hướng tạo lại nền tích lũy quanh vùng 1.500 điểm với biên độ khoảng +/-10 điểm trong tuần tới.
Trong giai đoạn này, chiến lược đầu tư thích hợp sẽ là giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn trong biên độ hẹp, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng cắt lỗ và chốt lời để đề phòng trường hợp thị trường bất ngờ xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm mạnh vượt ngoài kỳ vọng, VCBS khuyến nghị.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) thì đưa ra quan điểm, để thực sự quay trở lại xu hướng tăng, chỉ số VN-Index vẫn cần phải vượt qua kháng cự 1.512 điểm với khối lượng giao dịch tăng lên để củng cố cho khả năng sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index phá hỗ trợ 1.470 điểm trước thì rủi ro điều chỉnh giảm trở lại vùng 1.425 - 1.400 điểm trên chỉ số vẫn còn.
Chứng khoán thế giới đi xuống
Thực tế dù chỉ tăng nhẹ, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến khá tích cực nếu so với các thị trường chứng khoán khác trên thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết đi xuống trong các phiên giao dịch của tuần này, bị chi phối chủ yếu bởi tình hình căng thẳng Nga-Ukraine và "nhất cử nhất động" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan tới kế hoạch nâng lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 18/2), chỉ số công nghiệp Dow Jones 0,68% xuống 34.079,52 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,72% xuống 4.347,50 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 1,22% xuống 13.548,85 điểm. Tính chung cả tuần qua, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm hơn 1%, ghi dấu tuần đi xuống thứ hai liên tiếp.
Phiên giao dịch ngày 18/2 đặc biệt biến động với hàng nghìn tỷ USD các hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai của cổ phiếu, chỉ số và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sắp hết hạn. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của công ty Intel Corp đã sụt giảm mạnh trong phiên này, sau khi nhà sản xuất chip dự báo tỷ suất lợi nhuận của họ sẽ giảm trong năm nay và sau đó sẽ ổn định trong vài năm do họ đầu tư vào các công nghệ và nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu chip đang tăng lên.
Tuy nhiên, khoảng 78% trong số 417 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố thu nhập hàng quý cao hơn ước tính của các nhà phân tích trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang diễn ra.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán phần lớn giảm trong phiên cuối tuần qua 18/2, sau sự sụt giảm trên Phố Wall. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 27.122,07 điểm.Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1% xuống 24.541,06 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải hạ 0,7% xuống 3.490,76 điểm.
Chứng khoán Sydney, Singapore, Đài Bắc, Wellington và Manila giảm, trong khi chứng khoán Mumbai, Jakarta và Bangkok tăng nhẹ, chứng khoán Seoul đi ngang.