Ngày 'ảm đạm' của đồng ringgit Malaysia

Trên các trang báo lớn của Malaysia như The Star, New Strait Times, Malaysia Mail… số ra ngày 21/2 đều có bài viết về số phận của đồng nội tệ ringgit với những hàng tít lớn.

Chú thích ảnh
Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đồng ringgit đã có hai ngày lao dốc kỷ lục liên tiếp, cán mốc thấp nhất trong lịch sử giao dịch so với hai loại tiền tệ được so sánh chặt chẽ là USD và đô la Singapore (SGD).

Trong phiên giao dịch 21/2, đồng ringgit giảm xuống mức 4,7995 ringgit đổi 1 USD. Trước đó, ngày 20/2, 1 USD đổi được 4,7987 ringgit, giảm xuống dưới mức thấp nhất được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999 là 4,7125 ringgit/USD (9/1/1998). Tỷ giá hối đoái yếu nhất của đồng ringgit so với đồng USD trong lịch sử là 4,8850 ringgit đổi 1 USD trong cùng tháng 1/1998.

Cùng ngày 20/2, đồng ringgit cũng chịu một cú sốc khác khi giảm xuống mức thấp mới so với đồng SGD, đóng cửa giao dịch ở mức 3,5682 ringgit/SGD.

Để xoa dịu thị trường, Ngân hàng trung ương Malaysia (Bank Negara) đã phải đưa ra một tuyên bố rằng: “Hầu hết các nhà phân tích đều dự báo đồng ringgit sẽ tăng giá trở lại trong năm nay”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính thứ hai Amir Hamzah Azizan đã từ chối đưa ra dự báo về số phận của đồng tiền này vào cuối năm nay.  Ông cho biết những nỗ lực của chính phủ trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của đồng ringgit.

Trong một tuyên bố, Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour cho biết diễn biến gần đây của đồng ringgit, giống như các loại tiền tệ khác trong khu vực, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như sự điều chỉnh của thị trường đối với kỳ vọng lãi suất của Mỹ thay đổi, những lo ngại về địa chính trị và những bất ổn xung quanh triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Ông khẳng định: “Ngân hàng trung ương Malaysia cho rằng tỷ giá hiện tại của đồng ringgit không phản ánh triển vọng tích cực của nền kinh tế Malaysia trong tương lai”.

Nhà kinh tế trưởng Mohd Afzanizam Abdul Rashid của Ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd cho biết đồng ringgit sẽ tiếp tục được giao dịch ở chế độ thận trọng trước khi chỉ số giá tiêu dùng của Malaysia được công bố vào ngày 23/2 tới.

Sự yếu kém gần đây của đồng ringgit một phần là do tăng trưởng kinh tế yếu, theo đó mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 không đạt được như dự báo. Bên cạnh đó, đồng ringgit cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế là thị trường vốn Malaysia ghi nhận dòng vốn nước ngoài ròng chảy ra tháng thứ hai liên tiếp, do đợt bán tháo trái phiếu trong nước lớn hơn.

Ông Nicholas Chia, chiến lược gia vĩ mô tại Standard Chartered, cho biết: “Chênh lệch tỷ giá âm với Mỹ đã dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài và hoạt động tích trữ USD của doanh nghiệp, làm trầm trọng thêm áp lực giảm giá đối với đồng ringgit”.

Phó chủ tịch Tradeview Capital Sdn Bhd, ông Tan Cheng Wen, tin rằng về lâu dài, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất. Ông Tan cho biết điều này sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Malaysia, từ đó hỗ trợ đồng ringgit. Ông nói thêm: "Do đó, chúng tôi tin rằng đồng ringgit khó có thể suy yếu hơn nữa so với mức hiện tại. Tuy nhiên, có thể có một số áp lực ngắn hạn khi số liệu GDP quý IV/2023 của chúng tôi thấp hơn kỳ vọng của thị trường do xuất khẩu yếu hơn". Song cũng có một điểm sáng khác. Đó là kim ngạch xuất khẩu của Malaysia trong tháng Một đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước lên 122,43 tỷ ringgit, đánh dấu mức tăng đầu tiên sau 11 tháng.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)
Giá dầu tăng giúp Nga ổn định đồng nội tệ
Giá dầu tăng giúp Nga ổn định đồng nội tệ

Đồng ruble của Nga ổn định ở mức gần 91 ruble đổi 1 USD vào ngày 13/2, chủ yếu nhờ giá dầu tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN