Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Trên cánh đồng trải dài, không bờ thửa ở thôn Xuân Thành, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang những chiếc máy cày, máy làm đất đang phăm phăm chạy để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Thôn Xuân Thành là một địa phương xa nhất của huyện Hiệp Hòa, với tổng diện tích đất nông nghiệp 120 ha. Trước đây bình quân mỗi hộ trong thôn có từ 15 đến 20 thửa ruộng nằm rải rác, đường giao thông đi lại khó khăn, áp dụng máy móc vào sản xuất cũng hạn chế.
Cuối năm 2013 khi có Chỉ thị số 12 của Tỉnh ủy Bắc Giang về việc tiếp tục vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, lãnh đạo thôn Xuân Thành đã đề nghị cho thôn dồn điền, đổi thửa 100 ha để xây dựng 3 cánh đồng mẫu, cấy lúa giống cho Công ty giống cây trồng Trung ương Ba Vì, Hà Nội. Nhờ sự tích cực tuyên truyền, gương mẫu, công khai, minh bạch của lãnh đạo thôn, đến cuối năm 2014, gần 100 ha đồng ruộng của thôn đã thành vùng không bờ thửa, chia cho mỗi hộ từ 1 đến 3 ô, thuận lợi xây dựng cánh đồng mẫu cấy lúa chất lượng liên kết với doanh nghiệp.
Dồn điền đổi thửa để trồng xen dưa chuột bao tử và lúa, ở huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Xuân Hương |
Ông Dương Văn Hường, Trưởng thôn Xuân Thành cho biết, ruộng rộng, không có bờ, nông dân đưa máy gặt, máy cày vào sản xuất nên thời gian gieo cấy, cày bừa, thu hoạch trước đây khoảng 20 ngày, giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 4, 5 ngày. Vụ vừa rồi thôn liên kết với Công ty giống cây trồng Trung ương Ba Vì, Hà Nội cấy lúa nếp 87, được công ty hỗ trợ giống lúa, lại được bao tiêu sản phẩm ngay đầu bờ nên nông dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Quang Dần, thôn Xuân Thành cho biết, trước đây với hơn 4 mẫu ruộng nhà ông có 26 thửa, nhưng bây giờ, cũng bằng ấy diện tích gia đình ông chỉ còn 3 thửa gần nhau. Việc cấy cày không phải mất công chạy đồng nữa, lại áp dụng được máy móc vào cày bừa, thu hoạch nên làm đồng nhanh chóng.
Ở thôn Phi Mô, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đây là vụ thứ hai nông dân liên kết với một công ty của Nhật sản xuất giống lúa Nhật trên cánh đồng mẫu với diện tích hơn 30 ha. Công ty ký hợp đồng thu mua thóc tươi tại ruộng với giá cao gấp 1,4 lần so với lúa Khang dân cùng thời điểm nên bà con rất phấn khởi. Vụ trước nông dân lãi khoảng 1 triệu đồng/sào. Trưởng thôn Phi Mô, ông Dương Văn Cảnh cho biết, trước khi dồn đổi thửa, mỗi hộ trong thôn có từ 6 đến 9 thửa ruộng nằm rải rác. Do nhiều diện tích ruộng nhỏ lên người dân không thể đưa máy móc vào sản xuất. Sau dồn điền, người dân cùng nhau áp dụng sạ tay, cấy ném và đồng loạt cấy cùng một loại giống nên chỉ trong 1 tuần là xong, được công ty về ký hợp đồng liên kết sản xuất. Công lao động giảm từ 1/2 đến 1/3, trong khi đó sản lượng tăng gấp 1,3 lần. Bà Nguyễn Thị Hiền, thôn Phi Mô phấn khởi, giờ làm đồng đã có máy móc hỗ trợ nên nhiều gia đình trước kia không mặn mà đã cho ruộng nay lại lấy về cấy. Vụ vừa rồi nhà bà cấy lúa Nhật có năng suất từ 2,5 đến 2,8 tạ/sào, lại bán lúa tươi nên không mất công phơi phóng, vừa nhàn, vừa có lãi.
Đẩy mạnh phong trào
Dồn điền đổi thửa đã khắc phục sự manh mún về ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần giảm chi phí đầu vào từ 2,5 đến 3 triệu đồng/ha. Dự kiến đến hết năm 2016 tỉnh Bắc Giang dồn đổi được hơn 11.700 ha, số thửa bình quân trên hộ giảm đáng kể từ 8-9 thửa/hộ xuống còn 2-3 thửa/hộ, diện tích bình quân mỗi thửa đạt trên 700 m2. Điển hình như huyện Lục Nam giảm từ 15 thửa xuống còn 4 thửa/hộ, huyện Việt Yên từ 9,6 thửa xuống còn 2,03 thửa/hộ. Các địa phương đã gắn dồn điền, đổi thửa, với quy hoạch chỉnh trang lại đồng ruộng, giao thông, thủy lợi, nội đồng, thu gọn quỹ đất công để xây dựng các công trình công cộng như: khu thể thao, nghĩa trang, nhà văn hóa góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới.
Từ dồn điền đổi thửa, nhiều cánh đồng mẫu được hình thành, nên đến nay Bắc Giang đã xây dựng được 118 cánh đồng mẫu, cánh đồng cho thu nhập cao, tạo sự tham gia liên kết 4 nhà trong sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến ổn định với quy mô tập trung. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả so với sản xuất đại trà từ 20- 40%, năng suất tăng từ 10-20%. Thành công trên là nhờ tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa. Giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh trích kinh phí trên 38,2 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 6.900 ha dồn điền đổi thửa. Các địa phương bố trí tối thiểu 10% tiền thu từ đấu giá đất phục vụ cho công tác quản lý đất đai sau dồn đổi. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2018 tiếp tục dồn điền, đổi thửa 7.100 ha, xây dựng 55 cánh đồng mẫu. Theo đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí trên 65,8 tỷ đồng, đổi mới tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang Nguyễn Văn Khái cho biết, thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa, tổ chức mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp liên kết trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp, để người dân thấy được hiệu quả, lợi ích từ dồn điền đổi thửa để tiếp tục nhân rộng.