Đại tá Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, Công an tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; chú trọng giải quyết dứt điểm những vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao.
Bắc Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đến người dân; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở; tổ chức tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đội ngũ cán bộ, công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công an Bắc Giang tăng cường vận động các cơ sở, hộ kinh doanh trang bị hệ thống báo cháy, bình chữa cháy, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy; xây dựng phương án chữa cháy, tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy theo định kỳ. Các cơ quan, đơn vị, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới ở tỉnh nêu cao ý thức trách nhiệm trong đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc và nơi ở để tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và người thân; nắm vững và thực hành tốt nguyên tắc "Mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy trước hết phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ". Lực lượng Công an Bắc Giang tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để tham gia ý kiến về công tác phòng cháy chữa cháy ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế các dự án công trình nhằm thực hiện được giải pháp phòng cháy chữa cháy đồng bộ ngay từ đầu đối với các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 4.200 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó 130 cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao. Toàn tỉnh có 19 chợ kiên cố, 4 trung tâm thương mại, 14 nhà cao tầng từ 25 m trở lên, 4 khu công nghiệp tập trung và 29 cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố... tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ cháy, làm chết 4 người, bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản khoảng 13 tỷ đồng và 26,5 ha rừng (so với năm 2015 tăng 10 vụ và 1 người chết); trong số này có 22 vụ cháy nhà dân, 9 vụ cháy rừng, 3 vụ cháy phương tiện giao thông, 3 vụ cháy chợ, 3 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh, 2 vụ cháy bãi tập kết phế liệu, 2 vụ cháy nhà kho, 1 vụ cháy trụ sở cơ quan. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy chủ yếu là các sự cố về điện, sơ suất trong sử dụng lửa, cố ý đốt, sự cố trong sản xuất, tai nạn giao thông ma sát gây phát sinh tia lửa dẫn đến cháy...
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, nhiều hộ dân ở tỉnh nhận thức còn hạn chế về công tác phòng cháy, chữa cháy; nhiều chủ doanh nghiệp không quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy, không đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định; việc quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí... trên địa bàn còn chưa chấp hành nghiêm ngặt quy trình, quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy... Năm 2016, lực lượng Công an Bắc Giang đã tổ chức kiểm tra trên 1.650 lượt cơ sở về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy, đã chấn chỉnh, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục các vi phạm hàng trăm cơ sở, xử phạt 20 trường hợp vi phạm... Tỉnh cũng đã tổ chức 145 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho 7.500 người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.