Vàng tại Ngân hàng Trung ương Đức ở Frankfurt am Main, miền trung Đức ngày 23/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.286,31 USD/ounce vào lúc 1 giờ 40 phút sáng ngày 20/10 (giờ Việt Nam), sau khi có thời điểm rơi xuống 1.276,22 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 9/10. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2017 tăng 7 USD (0,6%) và đóng cửa ở mức 1.290 USD/ounce.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong tuần tính đến ngày 14/10 đã giảm 9% từ 224.000 xuống 222.000. Chiến lược gia Ryan McKay, thuộc TD Securities tại Toronto, nhận định kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn đang vận hành tốt, song vẫn tồn tại mối lo ngại về tỷ lệ lạm phát.
Chủ tịch Fed, Janet Yellen, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng Hai tới và các nhà đầu tư đang chờ đợi Tổng thống Mỹ, Donald Trump, đưa ra quyết định về người kế nhiệm bà Yellen. Nhà Trắng cho biết quyết định sẽ được công bố trong những ngày tới.
Trong phiên giao dịch ngày 19/10, giá dầu thế giới đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời sau đợt phục hồi gần đây của giá "vàng đen".
Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2017 giảm 75 xu Mỹ xuống đóng phiên ở mức 51,29 USD/thùng. Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2017 giảm 92 xu Mỹ xuống 57,23 USD/thùng.
Mới đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm 5,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/10, xuống 456,49 triệu thùng. Sản lượng dầu của nước này giảm 11% trong tuần trước, xuống 8,4 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2014.
Trong phiên trước đó, giá dầu thô Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần qua, nhờ tình trạng căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Trong một diễn biến mới đây, theo thông báo của Bộ Dầu mỏ Iraq, chính quyền Baghdad cảnh báo các công ty quốc tế rằng các thỏa thuận ký kết mà không có sự phối hợp với chính quyền sẽ bị coi là “can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Iraq, vi phạm chủ quyền quốc gia và thông lệ quốc tế”. Bộ Dầu mỏ và chính quyền Iraq có quyền đệ trình lên các tòa án trong nước hay quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Bộ này nhấn mạnh các hợp đồng ký kết với chính quyền ly khai tại khu vực người Kurd thay vì ký với chính quyền liên bang Iraq là bất hợp pháp và Iraq không có trách nhiệm tuân thủ thỏa thuận này.
Mối quan hệ giữa chính quyền Iraq với khu tự trị người Kurd đã xấu đi kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 92% cử tri người Kurd ủng hộ việc tách ra khỏi Iraq trở thành quốc gia độc lập. Chính quyền Iraq tuyên bố cuộc trưng là vi hiến và có hành động gây áp lực, trong đó cấm tất cả chuyến bay quốc tế tới và đi từ Erbil, thủ phủ của khu vực tự trị người Kurd.