Cơ sở lọc dầu Bin Omar tại Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Căng thẳng chính trị leo thang tại Iran và nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là nhân tố chính hỗ trợ giá dầu trong phiên này.
Cuối phiên 4/1, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 53 xu Mỹ (0,9%), lên 62,16 USD/thùng. Trước đó, vào giữa phiên, giá dầu này có lúc leo lên mức 62,21 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2015. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 39 xu Mỹ trong phiên này (0,9%), lên 68,23 USD/thùng, sau khi rời khỏi mức cao nhất kể từ tháng 5/2015 là 68,27 USD/thùng ghi nhận vào giữa phiên.
Xu hướng khởi sắc của thị trường chứng khoán châu Á cũng hậu thuẫn cho giá dầu trong phiên này. Các chỉ số chứng khoán chủ lực của châu Á đã dao động quanh mức “đỉnh” của 10 năm vào phiên giao dịch ngày 4/1 này, nhờ các số liệu đáng khích lệ từ các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, Đức.
Thời tiết băng giá tại Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ các loại năng lượng bật tăng cao trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với dầu sưởi ấm. William O'Loughlin, chuyên gia phân tích đầu tư của Rivkin Securities (trụ sở tại Australia) nhận định, thị trường dầu mỏ thực sự đã xuất hiện thêm các tín hiệu lạc quan, giữa bối cảnh lượng dầu dự trữ toàn cầu đã về sát mức trung bình 5 năm cùng với bất ổn địa chính trị leo thang tại Iran- nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Viện Dầu khí quốc gia Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 29/12 đã giảm 5 triệu thùng, xuống 427,8 triệu thùng. Điều này giúp giới đầu tư thêm tin tưởng vào triển vọng tái cân bằng thị trường dầu mỏ, khi tình trạng dôi dư nguồn cung dần được khắc phục.