Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 2,71 USD (3,41%) xuống 76,81 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 2,79 USD (3,66%) xuống 73,52 USD/thùng.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã ít hơn dự kiến trong tháng 7/2024 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái.
Số liệu kinh tế từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn ở châu Á, châu Âu và Mỹ đã làm tăng rủi ro phục hồi kinh tế toàn cầu chậm chạp, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ dầu thô.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm cũng kìm hãm giá dầu, làm tăng thêm lo ngại về tăng trưởng nhu cầu sau khi dữ liệu tháng 6/2024 cho thấy nhập khẩu và hoạt động lọc dầu thấp hơn một năm trước đó.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường LSEG Oil Research cho thấy nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, do nhu cầu yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng trong tháng 7/2024.
Ngày 1/8, một cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Theo đó, như đã thống nhất vào tháng Sáu, OPEC+ yêu cầu một số thành viên phải hạ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 10/2024-9/2025. Nhóm này cũng đồng ý gia hạn các mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu mỗi ngày trước đó đến cuối năm 2025.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố trong tháng 7/2024, OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ ghi nhận 104,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024, nhờ lực đẩy từ các thị trường như Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ và Mỹ Latinh.
OPEC lưu ý các hoạt động công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp ở các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu. Theo OPEC, việc bổ sung công suất hóa dầu ở các quốc gia ngoài OECD có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới. Báo cáo của OPEC cảnh báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả các diễn biến kinh tế trong tương lai ở những nền kinh tế lớn.
Trong phiên đầu tuần 29/7, giá dầu thế giới giảm gần 2% bất chấp tình hình căng thẳng gia tăng tại Trung Đông. Ông John Kilduff, đối tác tại công ty tư vấn đầu tư Again Capital nhận định thị trường dường như đã chấp nhận lập luận cho rằng ngay cả khi căng thẳng Trung Đông có gia tăng, cũng không có khả năng xảy ra xung đột trên toàn khu vực.
Giá dầu tiếp tục đi xuống, giảm khoảng 1% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong bảy tuần vào phiên 30/7, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu từ Trung Quốc có thể suy giảm, trong khi các nhà sản xuất chủ chốt được cho là sẽ tuân thủ kế hoạch tăng nguồn cung.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - ước tính đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 7/2024. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng giới đầu tư không đặt nhiều kỳ vọng vào những biện pháp như vậy.
Bên cạnh đó, những người tham gia thị trường đã bàn tán về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng cho Gaza trong những ngày qua. Điều này có thể làm giảm phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị đối với giá dầu thô.
Ông Bob Yawger, người phụ trách mảng năng lượng tại ngân hàng Mizuho, ước tính rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với lực hượng Hamas có khả năng giảm phí bảo hiểm rủi ro từ 4-7 USD cho mỗi thùng dầu.
Đến phiên 31/7, giá dầu thế giới đảo chiều với mức tăng gần 3% trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng sau vụ ám sát thủ lĩnh của lực lượng Hamas ở Iran và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, dầu Brent đã kết thúc tháng 7/2024 với mức giảm gần 7%, còn dầu WTI giảm gần 4%.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn gấp ba lần mức giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự kiến trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm trong tuần thứ năm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1/2021.
Nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, ông Matt Smith, cho biết rủi ro địa chính trị vẫn là động lực chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu gần đây.
Tuy vậy, xu hướng tăng giá không duy trì được lâu khi dầu lại giảm hơn 1 USD trong phiên 1/8 khi nguồn cung toàn cầu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn ở Trung Đông sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, và các nhà đầu tư tập trung trở lại vào vấn đề đáng lo ngại về nhu cầu.
Trong khi đó, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại ngân hàng đầu tư BOK Financial, Dennis Kissler, cho biết thị trường đang dần nhận ra rằng chưa có sự gián đoạn nguồn cung nào diễn ra trên thực tế, nên đang chuyển trọng tâm từ các vấn đề địa chính trị sang nhu cầu dầu thô toàn cầu.