Chứng khoán giảm sau một ngày đầy biến động đối với các chỉ số chính khi các nhà đầu tư cố gắng đo lường xung đột sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7% vào lúc 10:14 sáng theo giờ miền Đông, trong khi chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm 337 điểm, tương đương 1%, xuống 33.554 và Nasdaq giảm 0,5%.
Các động thái lớn hơn đến từ thị trường dầu mỏ, hàng hóa nông nghiệp và trái phiếu chính phủ. Dầu mỏ là mối quan tâm hàng đầu vì Nga là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Đợt tăng giá gần đây nhất làm tăng áp lực lên lạm phát cao liên tục đang đe dọa các hộ gia đình trên khắp thế giới. Giá dầu thô của Mỹ tăng 6,6% lên 101,87 USD/thùng, đạt mức giá cao nhất kể từ năm 2014, trong khi dầu thô Brent tăng 6,6% lên 104,44 USD.
Căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng cũng đã gây thêm áp lực lên giá hàng hóa nông nghiệp, vốn đã bị đẩy lên cao hơn khi lạm phát gia tăng, khi giá lúa mì và ngô tăng hơn 4%/giạ (1 giạ lúa tương đương 20-22 kg) và đã tăng hơn 20%. Đáng chú ý, Ukraine là nước xuất khẩu chính của cả hai loại cây trồng này.
Các nhà đầu tư tiếp tục bỏ tiền vào trái phiếu. Lợi tức của Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,75% từ 1,83% vào cuối ngày thứ Hai.
Tình hình căng thẳng ở Ukraine đã tác động mạnh tới các thị trường trên toàn cầu và làm tăng thêm nỗi lo về tăng trưởng kinh tế khi đối mặt với lạm phát gia tăng và kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Mỹ và các đồng minh đã và đang gây áp lực đáng kể lên hệ thống tài chính của Nga khi quốc gia này tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tại Ukraine. Giá trị của đồng ruble Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục hôm thứ Hai sau khi các nước phương Tây chuyển sang ngăn chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Cũng vào thứ Hai, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của Nga. Nhiều công ty đã công bố kế hoạch thu hẹp quy mô hoặc rút khỏi các liên doanh ở Nga, hoặc tạm ngừng hoạt động ở Ukraine do tình hình căng thẳng.
Ngân hàng trung ương Nga cũng đã tăng lãi suất cơ bản lên 20% từ mức 9,5% trong một nỗ lực nhằm giữ cho đồng ruble đang giảm mạnh và ngăn chặn tình trạng tháo chạy của các ngân hàng. Thị trường chứng khoán của Nga vẫn đóng cửa vào thứ Ba. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Ukraine trong khi chờ đợi những cập nhật mới nhất từ Fed và Chính phủ Mỹ về nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội vào cuối tuần này liên quan đến việc có tăng lãi suất hay không.