Giá dầu tại thị trường châu Á hướng tới tháng tăng thứ 5 liên tiếp

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 29/4, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung của Nga đã lấn át những mối quan tâm về các đợt phong tỏa liên quan tới đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 88 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 108,47 USD/thùng, sau khi tăng 2,1% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 55 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 105,91 USD/thùng, sau khi tăng hơn 3,3% vào phiên trước đó.

Cả hai hợp đồng dầu này đều hướng tới mức tăng trong cả tuần và tháng tăng giá thứ 5 liên tiếp, giữa bối cảnh Đức sẽ cùng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia lệnh cấm vận đối với dầu của Nga.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn biến động do Trung Quốc không có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp phong tỏa liên quan tới đại dịch bất chấp tác động đến nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Wood Mackenzie, Trưởng phòng Kinh tế của APAC, cho biết: "GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa trong quý II/2022. Sự biến động của thị trường dầu mỏ có thể sẽ còn tiếp tục, với khả năng xảy ra các đợt phong tỏa kéo dài và lan rộng hơn tại trung Quốc vào tháng 5/2022, khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc đối mặt với rủi ro trong ngắn hạn và đẩy giá mặt hàng này đi xuống".

Về nguồn cung, Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có khả năng sẽ bám sát thỏa thuận sản lượng hiện có và đồng ý một đợt tăng sản lượng khác trong tháng Sáu tới, khi tổ chức này nhóm họp vào ngày 5/5.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga có thể giảm tới 17% vào năm 2022, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga liên quan tới chiến sự tại Ukraine làm tổn hại đến hoạt động đầu tư và xuất khẩu.

Lo ngại về sự gián đoạn đối với xuất khẩu dầu của Nga, đặc biệt là dầu diesel, đã đẩy biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á lên mức kỷ lục. Giá dầu diesel kỳ hạn trên thị trường New York đóng cửa ở mức cao kỷ lục 5,14 USD/gallon (3,78 lít) vào ngày 28/4, trong khi giá dầu diesel tại Cảng New York giao dịch ở mức cao kỷ lục so với giá kỳ hạn.

Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)
Bộ Tài chính lên tiếng về việc các công ty chứng khoán 'vừa đá bóng vừa thổi còi'
Bộ Tài chính lên tiếng về việc các công ty chứng khoán 'vừa đá bóng vừa thổi còi'

Ngày 29/4, liên quan đến vấn đề báo chí phản ánh về hiện tượng công ty chứng khoán quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa đầu tư chứng khoán, “vừa đá bóng vừa thổi còi” khiến cho nhà đầu tư bức xúc, Bộ Tài chính cho biết điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật, tuy nhiên trong quá trình hoạt động có thể có xung đột lợi ích và các công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN