Giá dầu Brent giảm 12 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 75,2 USD/thùng vào lúc 13 giờ 5 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 17 xu Mỹ (0,2%), xuống 71,49 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chốt phiên trước ở mức thấp nhất kể từ ngày 24/3, khi có mức giảm theo phần trăm trong phiên mạnh nhất kể từ đầu tháng Một.
Fed được cho là sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp trong hai ngày 2-3/5 nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi ECB cũng có thể tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 4/5.
Việc lãi suất tiếp tục tăng có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Tại Australia, ngân hàng trung ương nước này đã khiến thị trường bất ngờ khi tăng lãi suất vào ngày 2/5 và cảnh báo có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát cao.
Giá năng lượng cũng chịu sức ép sau khi số liệu mà Trung Quốc công bố cuối tuần cho thấy hoạt động chế tạo tại nước này bất ngờ giảm trong tháng Tư. Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng và mua dầu thô nhiều nhất thế giới.
Trong khi đó, số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ công bố ngày 2/5 cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm tuần thứ ba liên tiếp, với mức giảm 3,9 triệu thùng trong tuần trước.
Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố vào ngày 3/5.
Môt khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ giảm 190.000 thùng/ngày trong tháng Tư, chủ yếu do sản lượng của Iraq và Nigeria giảm.
Sản lượng dầu có thể tiếp tục giảm trong tháng Năm, khi một đợt cắt giảm tự nguyện được công bố ngày 2/4 có hiệu lực.