Vào lúc 13 giờ 11 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 22 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 80,61 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 8 xu Mỹ, hay 0,1%, lên 84,12 USD/thùng.
Đà tăng 7 tuần liên tiếp là chuỗi tăng giá dài nhất với cả hai loại dầu trên trong năm nay. Giá dầu Brent đã tăng khoảng 18%, còn giá dầu WTI tăng hơn 20% trong 7 tuần tính đến ngày 11/8 lên các mức cao nhất trong nhiều tháng qua, trước khi thu hẹp phần nào đà tăng trong tuần này, khi giá cả hai loại dầu đều giảm hơn 3%.
Việc Fed tập trung chống lạm phát trước các số liệu kinh tế mạnh hơn dự doán đang kìm hãm giá dầu, sau khi giá “vàng đen” đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do những lo ngại về nguồn cung.
Bộ Lao động Mỹ ngày 17/8 cho biết số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đâu của nước này đã giảm trong tuần trước, cho thấy thị trường việc làm thắt chặt như vậy có thể kéo dài chu ký nâng lãi suất của Fed để hạ nhiệt nền kinh tế. Giới đầu tư lo ngại lãi suất tiếp tục tăng lên sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế, từ đó giảm nhu cầu nói chung, trong đó có nhu cầu dầu.
Bên cạnh đó, loạt số liệu gần đây của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã cho thấy sự phục hồi của kinh tế nước này đang nhanh chóng mất đà kể từ quý II. Tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu trong vài tháng qua, khi cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản đang khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ lây lan.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn được nâng đỡ bởi nguồn cung thắt chặt do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, và nhu cầu gia tăng, chủ yếu do hoạt động đi lại và công nghiệp cải thiện tại Mỹ.
Số liệu được công bố tuần này cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm gần 6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi lượng sản phẩm được cung cấp theo tuần, một chỉ báo cho nhu cầu, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.