Cụ thể, lúc 13 giờ theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 15 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 84,18 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức mức 79,81 USD/thùng, tăng 17 xu, tương đương 0,2%.
Các thị trường đang chờ đợi những gợi ý về triển vọng lãi suất của Mỹ khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và quan chức ngân hàng trung ương của Mỹ, châu Âu, Anh và Nhật Bản tham dự cuộc họp thường niên ở Jackson Hole (Mỹ) vào 25/8.
Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch công ty giao dịch NS Trading thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities, cho biết nhà đầu tư không muốn nắm giữ các vị thế lớn trước cuộc họp tại Jackson Hole vì họ muốn chờ đợi manh mối về hành động lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Bên cạnh đó, triển vọng lãi suất của Mỹ cao hơn và nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc dự kiến sẽ tạo tâm lý tiêu cực trên thị trường, bất chấp nguồn cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) thắt chặt trong ngắn hạn.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ từ nay đến cuối năm. Tốc độ tăng trưởng yếu đi của nước này đã khiến thị trường thất vọng vì các biện pháp kích thích không mạnh mẽ như kỳ vọng, cho dù ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất các khoản vay ngắn hạn trong ngày 21/8.
Về phía nguồn cung, Saudi Arabia đã quyết định giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7-9/2023 và Nga có kế hoạch giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng Tám. Những động thái trên nằm trong thỏa thuận giữa các thành viên OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung và hỗ trợ giá dầu.
Số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ ngày 22/8 cho thấy, dự trữ dầu thô tại Mỹ tiếp tục thu hẹp, giảm khoảng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/8. Con số này thấp hơn một chút so với mức giảm 2,9 triệu thùng mà các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters dự đoán.
Ông Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại trung tâm IG ở Singapore, cho rằng sau đợt giảm mạnh 6,2 triệu thùng một tuần trước đó, nguồn cung tổng thể vẫn nghiêng về phía thắt chặt hơn.