Giá dầu Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ ban đầu tăng sau khi Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức 1 triệu thùng/ngày, trong khi Nga thông báo giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, vào cuối phiên giao dịch, giá dầu đã đảo chiều, giảm ít nhất 1% khi các báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu sụt giảm. Theo đó, giá dầu Brent giao tháng 9 giảm 76 cent (tương đương 1,01%) xuống còn 74,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 85 cent, (tương đương 1,2%) xuống 69,79 USD/thùng.
Lo ngại suy thoái kinh tế khiến nhu cầu nhiên liệu giảm đang ngày một gia tăng khi lạm phát của Mỹ tiếp tục vượt mục tiêu 2%, có thể dẫn tới khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) tiếp tục tăng lãi suất. Trên thực tế, lãi suất tại Mỹ cao hơn có thể góp phần củng cố giá trị đồng USD, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, theo dữ liệu của Viện Quản lý cung ứng công bố ngày 3/7, lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 6 ghi nhận sụt giảm tháng thứ 8 liên tiếp, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất - giảm từ 46,9 trong tháng 5 xuống còn 46.
Ông John Kilduff, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn tài chính Again Capital LLC, cho biết thị trường dầu mỏ đang đối mặt với những “cơn gió ngược” nghiêm trọng. Theo nhà phân tích Vladimir Zernov tại FX Empire, mặc dù Saudi Arabia và Nga thông báo cắt giảm thêm sản lượng song các nhà giao dịch tập trung vào nguy cơ suy thoái.
Các nỗ lực gần đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) nhằm tăng giá dầu thông qua cắt giảm sản lượng đều không thành công. Tháng 4 vừa qua, một số thành viên OPEC+ đã tự nguyện giảm sản lượng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày – động thái bất ngờ khiến giá dầu tăng nhẹ song không duy trì được đà phục hồi giá lâu dài.