Chiều 3/7, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 4 xu Mỹ xuống còn 75,37 USD/thùng vào lúc 15 giờ (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 9 xu Mỹ xuống mức 70,55 USD/thùng.
Tính đến hết tháng 6/2023, giá dầu Brent đã giảm quý thứ tư liên tiếp trong khi dầu WTI ghi nhận mức giảm theo quý thứ hai do hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều giảm tốc tăng trưởng trong quý II.
Thoe một khảo sát của khu vực tư nhân, tăng trưởng hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã chậm lại trong tháng 6. Niềm tin doanh nghiệp và hoạt động tuyển dụng tại nước này đều hạ nhiệt do tình hình trì trệ của thị trường.
Bên cạnh đó, những lo ngại về kịch bản giảm tốc tăng trưởng kinh tế làm ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu đã lớn hơn, sau khi số liệu hồi cuối tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn vượt xa mục tiêu 2% của Fed. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa.
Lãi suất cao hơn có thể củng cố đồng USD, khiến hàng hóa định giá theo đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Đồng thời, nó cũng làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích kỳ vọng nguồn cung sẽ thắt chặt và đẩy giá cao hơn trong nửa cuối năm sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7. Cùng với đó, Mỹ đang dần bổ sung cho Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty dịch vụ dầu khí PVM cho biết tâm lý thị trường có thể sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Ông cũng cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong nửa cuối năm.
Tại thị trường trong nước, khép phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số VN-Index tăng 5,32 điểm (0,47%) lên 1.125,50 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index để mất 0,72 điểm (0,32%) xuống 226,60 điểm.