Giá dầu châu Á ổn định trong chiều 30/6

Giá dầu châu Á giữ ổn định trong chiều 30/6 và hướng tới tháng tăng đầu tiên trong năm nay, khi giá trung bình tháng 6 của cả hai loại dầu chuẩn trên đà tăng hơn 2%, giữa bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn so với dự đoán và lãi suất có khả năng tăng nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Vào lúc 13 giờ 31 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9 tăng 4 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 74,54 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống còn 69,81 USD/thùng.

Mặc dù giá dầu trung bình của tháng tăng đã đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường, nhưng trên cơ sở hàng quý, giá dầu Brent dự đoán giảm khoảng 6% trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 7%.

Thị trường đang lo lắng về nguồn cung sẽ bị thắt chặt sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo lượng tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, vượt xa mức giảm 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo.

Trong khi đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ trong quý I/2023 đã được điều chỉnh tăng 2%, thay vì mức tăng 1,3% đã được công bố trước đó.

Nhà phân tích thị trường tại ngân hàng IG, Yeap Jun Rong, nhận định sự điều chỉnh tăng đáng kể của GDP, cộng với những số liệu kinh tế tích cực gần đâu, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt, giúp các thị trường giảm bớt lo ngại về suy thoái có thể xảy ra.

Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và sự sụt giảm lượng dự trữ dầu thô của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh Saudi Arabia đang lên kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7, bên cạnh một thỏa thuận cắt giảm sản lượng rộng hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Cơ quan phân tích Refinitiv cho biết xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga sẽ giảm xuống 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7, ít hơn 400 thùng/ngày trong tháng 6, do các nhà máy lọc dầu tăng nguồn cung cho thị trường nội địa. Động thái này có thể góp phần thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tuy nhiên, đà tăng của dầu bị hạn chế một phần bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới - và những lo ngại về lãi suất cao hơn. Một cuộc khảo sát mới đây cho biết hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 ghi nhận giảm tháng thứ ba liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đã chậm hơn. Bên cạnh đó, hoạt động phi sản xuất cũng ghi nhận giảm. Các dữ liệu này phần lớn phù hợp với dự báo của các nhà phân tích.

Tại Mỹ, lãi suất dự kiến sẽ quay lại chu kỳ tăng, sau khi tạm nghỉ vào tháng 6. Chủ tịch Fed Jerome Powel, ngày 29/6, đã báo hiệu rằng nhiều khả năng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất cho đến khi cuộc chiến chống lạm phát thu được kết quả tích cực hơn.

Dữ liệu về số lượng dự trữ dầu thô của Mỹ, một tín hiệu về nguồn cung trong tương lai, sẽ được công bố vào cuối ngày 30/6 (theo giờ địa phương).

Diệu Linh (TTXVN)
Chiều 29/6 giá dầu châu Á quay đầu giảm
Chiều 29/6 giá dầu châu Á quay đầu giảm

Giá dầu châu Á giảm vào chiều 29/6 sau khi tăng mạnh phiên trước, khi nhà đầu tư lại lo ngại khả năng lãi suất tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN