Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 31 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 74,34 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 30 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 69,86 USD/thùng.
Trong phiên trước đó, giá cả hai loại dầu trên dều tăng khoảng 3% sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 9,6 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức giảm dự đoán 1,8 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, giới đầu tư đang lo ngại về khả năng lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh ông dự đoán lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên, với tốc độ chậm hơn, trong những tháng tới.
Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 20 tháng qua vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động thắt chặt, yếu tố sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục nâng lãi suất.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng củng cố những dự đoán về đợt nâng lãi suất thứ chín liên tiếp tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tháng Bảy.
Áp lực đối với giá dầu còn đến từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, khi lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở nước này kéo dài đà giảm hai con số trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu sụt giảm.
Ông Tetsu Emori, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Emori Fund Management Inc, cho biết việc thiếu triển vọng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu đã giới hạn đà tăng của giá dầu, bất chấp các thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu.
Saudi Arabia trong tháng này đã cam kết giảm mạnh sản lượng vào tháng Bảy, bên cạnh một thỏa thuận cắt giảm sản lượng rộng hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.