Vào lúc 14 giờ 55 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 73 xu Mỹ, hay 0,7% lên 111,19 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 114,23 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tư tăng 1,21 USD, hay 1,1%, lên 108,88 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao 112,84 USD/thùng.
Giá dầu tăng trước những dấu hiệu cho thấy căng thẳng Nga-Ukraine đang leo thang sau khi có thông tin về vụ cháy tại một nhà máy điện hạt nhân của Ukraine sau một cuộc tấn công của quân đội Nga.
Giá dầu thô sắp khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu WTI tăng 19%, còn giá dầu Brent tăng 13% sau khi chạm các mức cao nhất trong 10 năm qua.
Giá dầu đang trên đà tăng trước những lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu khi của nước này, vốn là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới. Hoạt động giao dịch dầu thô của Nga đang chậm lại khi người mua lưỡng lự do các lệnh trừng phạt, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực phải cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Nguồn cung dầu có thể gia tăng từ nỗ lực phối hợp trong việc giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược của các nước phát triển. Nhật Bản ngày 4/3 cho biết nước này dự định sẽ giải phóng 7,5 triệu thùng, nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong nhu cầu của nước này.
Bên cạnh đó, đà tăng của giá dầu còn bị hạn chế bởi triển vọng thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh, điều được dự đoán sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dầu của nước này và xoa dịu nguồn cung đang thắt chặt trên toàn cầu.
Chuyên gia phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank của Australia dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 110 USD/thùng trong quý II và III năm nay, nhưng trong ngắn hạn, giá dầu Brent có thể lên đến 150 USD/thùng.