Phiên này, giá dầu Brent tăng 50 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 72,83 USD/thùng vào lúc 13 giờ 39 phút (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, kể từ phiên thứ Sáu tuần trước (28/4), giá dầu Brent đã giảm hơn 9%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 28 xu Mỹ (0,4%) lên 68,88 USD/thùng. Loại dầu này đã giảm gần 11% từ mức đóng cửa cuối tuần trước.
Giá dầu giảm trong tuần này trong bối cảnh có nhiều lo ngại về kinh tế Mỹ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/5 tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007, điều có thể hạn chế đà tăng trưởng của nền kinh tế này trong thời gian tới. Ngoài ra, dấu hiệu về sự suy yếu của ngành chế tạo Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng khiến thị trường cẩn trọng.
Tuy nhiên, với một số tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ và kỳ vọng rằng việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu lớn bắt đầu từ tháng này sẽ hạn chế nguồn cung, các nhà đầu tư và nhà phân tích đang tăng cường mua vào trên thị trường.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (nhóm OPEC+) đã bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày vào đầu tháng này. Kế hoạch hạn chế sản lượng của OPEC+ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trong mùa Hè, vốn là giai đoạn nhu cầu lên cao điểm.
Các chuyên gia nhận định OPEC+ sẽ gặp áp lực để chứng minh họ có thể đáp ứng các mức cắt giảm sản lượng đó, thậm chí báo hiệu thêm nhiều đợt cắt giảm sắp tới.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi tín hiệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), mà theo dự đoán ngân hàng này sẽ tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp trong cuộc họp ngày 4/5.