Giá dầu Brent giảm 1,18 xu Mỹ, hay 1,3%, xuống 88,14 USD/thùng vào lúc 15 giờ 23 (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,11 USD, hay 1,4%, xuống 81,04 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều tăng trong hai phiên trước, sau khi chạm mức thấp kỷ lục 9 tháng, nhờ đồng chỉ số USD tạm thời giảm và dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến mang đến hy vọng về sự phục hồi nhu cầu.
Tuy nhiên, chỉ số USD có xu hướng tăng trở lại trong phiên này, khiến tài sản rủi ro giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư và làm tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng trung ương Anh đã cam kết sẽ mua nhiều trái phiếu chính phủ dài hạn nhất có thể nếu cần trong giai đoạn 28/9 đến 14/10 để ổn định đồng tiền sau khi các biện pháp mới mà chính phủ nước này công bố vào tuần trước đã khiến đồng bảng giảm mạnh.
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) ngày 27/9 đã hạ dự báo giá dầu năm 2023, do nhu cầu yếu hơn và đồng USD mạnh lên, nhưng cho rằng những gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu có thể đẩy giá lên trong dài hạn.
Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, hoạt động đi lại trong kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài một tuần sắp tới có thể ở mức thấp nhất trong nhiều năm, khi các quy định theo chính sách "Không COVID" khuyến khích người dân ở trong nhà và những lo ngại về kinh tế làm giảm chi tiêu.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Citi (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý IV/2022 từ 5% xuống 4,6%, do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt và các vấn đề của lĩnh vực bất động sản tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã đề xuất đợt trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó có việc tăng cường các hạn chế và áp trần giá dầu với nước thứ ba.
Về phía nguồn cung, hai nguồn tin cho biết OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về khả năng cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp vào ngày 5/10.
Trong tuần này, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Nga có thể đề xuất OPEC+ giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày.