Giá dầu châu Á chạm mức cao nhất kể từ tháng 3

Trong phiên giao dịch ngày 21/5, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, nhờ lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong khi nhu cầu dần phục hồi khi chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Rzeszow, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Vào lúc 15 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 42 xu Mỹ, hay 1,2%, lên 36,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 40 xu Mỹ, hay 1,2% lên 33,89 USD/thùng. Đây đều là các mức cao nhất của hai loại dầu này kể từ ngày 11/3.

Chuyên gia Victor Shum của công ty IHS Markit cho rằng giá dầu đang được hỗ trợ khi nguồn cung đang được kiểm soát thông qua việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, và nhu cầu đang dần phục hồi tại Bắc Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng dư cung đang giảm xuống, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 5 triệu thùng trong tuần trước.

Bên cạnh đó, tính đến nay, trong tháng 5, OPEC+ đã giảm lượng dầu xuất khẩu khoảng 6 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy một khởi đầu tốt trong quá trình thực hiện thỏa thuận cắt giảm mà các nước này đã đạt được hồi tháng trước.

Giá vàng châu Á đi xuống

Giá vàng châu Á giảm chiều 21/5, do thị trường hy vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi các quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa và khả năng sớm có vaccine điều trị COVID-19. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế kém khả quan của các nền kinh tế chủ chốt vừa được công bố đã hạn chế đà giảm của giá vàng.

Vào lúc 14 giờ 44 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.737,09 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,8% xuống 1.738,4 USD/ounce.
    
Chuyên gia kinh tế John Sharma thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định giới đầu tư hiện vẫn phần nào lạc quan về khả năng có vaccine điều trị dịch COVID-19, các cuộc đàm phán về việc nới lỏng lệnh phong tỏa được triển khai nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh và nhờ đó tăng trưởng kinh tế dần phục hồi. Tuy nhiên, sự lạc quan này chưa đủ để kéo giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce.
   
Một số nền kinh tế lớn mới đây công bố loạt số liệu không mấy khả quan, phản ánh tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19. Điển hình là việc chỉ số giá tiêu dùng tại Anh giảm từ mức 1,5% trong tháng 3 xuống còn 0,8% trong tháng 4 - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến giá dầu toàn cầu lao dốc và các nhà bán lẻ quần áo giảm giá, trong khi những tác động của thuế quan cũng giảm nhẹ.

Mỹ dự kiến công bố số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này trong ngày hôm nay, được cho là sẽ phản ánh thêm thể trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Giá palladium phiên này giảm 1,4% xuống 2.071,81 USD/ounce, sau khi có lúc tăng lên mức cao trong một tháng trong phiên 20/5. Giá bạch kim phiên này giảm 0,9% xuống 842,38 USD/ounce. Giá bạc giảm 1,6% xuống 17,23 USD/ounce.
    
Tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 58 phút ngày 21/5, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở thị trường Hà Nội ở mức 48,50 - 48,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Khánh Ly - K.Dung (TTXVN)
Giá dầu thế giới tăng khi dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm
Giá dầu thế giới tăng khi dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm

Giá dầu thế giới tăng trong phiên 20/5 sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần qua, song đà đi lên của giá dầu bị hạn chế phần nào bởi những quan ngại về hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và lợi nhuận thấp của các công ty lọc dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN