Tuy nhiên, diễn biến này đã được bù đắp phần nào bởi sự sụt giảm lượng dự trữ xăng, làm dấy lên hy vọng vào sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 12 xu Mỹ (0,3%), lên 42,75 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống mức 42,30 USD/thùng vào đầu phiên. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1 xu Mỹ, lên 40,34 USD/thùng.
Theo báo cáo cùng ngày của Viện dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 1,7 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 19/6), vượt xa mức dự báo tăng 300.000 thùng của giới phân tích.
Tuy nhiên, theo API, dự trữ xăng và các sản phẩm dầu chưng cất của Mỹ lại giảm trong cùng kỳ, càng làm gia tăng tâm lý lạc quan về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu khi các nước đang dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Số liệu chính thức của Bộ Năng lượng Mỹ về dự trữ dầu thô sẽ được công bố vào cuối ngày 24/6 (theo giờ Mỹ).
Hoạt động tiêu thụ dầu mỏ đã bắt đầu phục hồi khi các nền kinh tế trên toàn cầu dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi là OPEC+, vẫn nỗ lực cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu, trong khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ giảm đáng kể sản lượng. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại về nguy cơ bùng phát đợt lây nhiễm mới tại Mỹ và một số nơi khác trên thế giới.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dự báo sẽ hạn chế hoạt động mua dầu thô trong quý III/2020, sau khi mua vào một lượng dầu kỷ lục trong thời gian qua.
Chiyoki Chen, nhà phân tích cấp cao của Sunward Trading, dự báo giá dầu Brent sẽ nằm trong khoảng 35 - 45 USD/thùng trong tuần tới.