Đơn cử là các mặt hàng tôm khô, khô mực, khô bổi, khô lóc... được người tiêu dùng chọn mua về sử dụng hoặc làm quà biếu cho bạn bè, người thân trong dịp Tết nên nhu cầu thị trường rất lớn.
Tính đến ngày 19/1, tại các cơ sở kinh doanh các mặt hàng khô khu vực chợ đầu mối phường 7, thành phố Cà Mau niêm yết giá tôm khô (tôm đất) tùy theo kích cỡ từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/kg, khô mực loại 1 có giá trên 1 triệu đồng/kg, khô bổi loại 1 có giá từ 380.000 - 400.000 đồng/kg, khô lóc có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng đặc sản, sản phẩm OCOP như: bánh phồng tôm, dưa bồn bồn, ba khía muối, mắm cá đồng... cũng ''lên hương'' dịp cận Tết.
Giá cả các mặt hàng khô đặc sản ở Cà Mau gia tăng được xem là tín hiệu vui đối với các cơ sở, làng nghề chế biến mặt hàng khô đặc sản phục vụ thị trường Tết. Khi giá trị sản phẩm khô đặc sản của tỉnh ngày càng nâng cao cũng đồng nghĩa với việc gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, giá cả các mặt hàng khô gia tăng dịp Tết là chuyện bình thường theo quy luật cung - cầu. Các mặt hàng khô của tỉnh phần lớn đều là đặc sản nên khi nhu cầu tăng cao thì hiếm có sản phẩm khác thay thế.
Từ ngày 28 - 30 Tết sức mua sẽ tăng lên nhưng khả năng không tăng nhiều so với thời điểm cận Tết năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau biết, hàng hóa trên thị trường tỉnh Cà Mau rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhìn chung giá cả các mặt hàng thiết yếu khá ổn định. Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa phát hiện các trường hợp găm hàng, đầu cơ trục lợi bất chính gây biến động lớn về giá cả thị trường.
Tuy nhiên, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các huyện và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.