Mừng nhưng đừng quá lạc quan; phụ thuộc nhiều FDI
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương):Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương). |
Con số tăng trưởng của GDP trong quý I khiến không ít người bất ngờ bởi diễn biến từ năm 2009 đến nay, GDP quý I thường tăng rất thấp hay còn gọi là quý “xả hơi”. Thời gian của quý I là chu kỳ của 2 đợt nghỉ Tết âm lịch và dương lịch kéo dài, tháng lễ hội, chưa kể nhiều công nhân nghỉ Tết không trở lại làm việc tại khu công nghiệp, nhà máy…
Đóng góp vào sự tăng trưởng quý I năm nay phải kể đến lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chủ yếu từ công nghiệp chế tạo, đây được xem là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp có mức tăng khá tốt.
Nhiều đơn hàng lớn về xuất khẩu được ký trong đầu năm 2018 giúp kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu ước đạt 32,54 tỷ USD, tăng 13,6%. Trong quý I/2018, cả nước xuất siêu 1,1 tỷ USD. Luỹ kế thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 176,25 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm, đăng ký mới là 5,8 tỷ USD và thực hiện đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong vài năm trở lại đây đã đem lại hiệu ứng tốt cho nền kinh tế. Ba tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 26.800 doanh nghiệp, cán mốc cao nhất trong vòng 7 năm. Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường với tốc độ cao đã đóng góp tích cực tăng trưởng chung của cả nước.
Yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc cũng đã góp phần cho sự phát triển của nền kinh tế Việt bởi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng.Tuy nhiên chúng ta cũng còn một số lo ngại, đó là vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Không thể phủ nhận sự đóng góp của khối kinh tế này do tạo được công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam; góp phần chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp, tạo ra hàng hó a, giúp tăng trưởng xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ. Nhưng điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào FDI, sự phát triển chưa thực sự bền vững.
Chúng ta vẫn chưa tận dụng được những cơ hội cho riêng mình. Sự đóng góp vào ngân sách của khối FDI còn thấp, trong khi đó Việt Nam lĩnh hội từ việc chuyển giao công nghệ từ FDI sang gần như không có. Đó là chưa kể tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng kẽ hở chính sách để chuyển giá, gây thất thoát nguồn thu; đầu tư vào nhiều lĩnh vực khiến môi trường Việt Nam bị ô nhiễm.
Còn nhiều áp lực cho tăng trưởng
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh – Đại học Ludwig Maximilians (Đức):
Thông thường quý I hàng năm, tốc độ tăng trưởng rất chậm do ngày nghỉ dài, nhưng năm nay lại đột biến dù kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều lĩnh vực chưa thực sự có những cú đột phá. Chính vì vậy cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về con số tăng trưởng này.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,7%. Như vậy, tăng trưởng đã được ghi nhận ở cả 3 khu vực kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là khu vực công nghiệp và xây dựng. Mức tăng này là dấu hiệu đáng nừng cho nền kinh tế nhưng theo tôi cũng đừng quá lạc quan.
Trong việc tăng trưởng này phải phân tích xem ở phạm vi, lĩnh vực nào? Nếu ở trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp – thương mại tôi cho rất tốt, còn nếu rơi vào lĩnh vực xuất khẩu mà phần lớn việc xuất khẩu là do các công ty FDI hực hiện thì nó đẩy con số tăng trưởng lên nhưng không có lợi cho quốc gia nhiều. Trong tăng trưởng thì lĩnh vực công nghiệp có sự đóng góp lớn của khu vực FDI. Hiện các Công ty FDI vẫn chiếm hơn nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Đối với FDI, Việt Nam chỉ như là những công xưởng sản xuất, nhiều lĩnh vực có giá trị xuất khẩu lớn như dệt may, gia giầy…nhưng chúng ta chủ yếu vẫn thực hiện gia công, nguồn thu mang lại không lớn.
Việc tăng trưởng phải là tăng trưởng thực, giúp người dân có nhiều công ăn việc làm hơn. Việc tăng trưởng phải đi đôi với số lượng việc làm được tạo ra. Hiện nay mình rất ít thông tin về việc có bao nhiêu công ăn việc làm được tạo ra và mất đi trong thời kỳ của tăng trưởng.
Theo tôi, việc tăng trưởng phải giúp tạo công ăn việc làm, chất lượng đời sống cũng phải được cải thiện. Còn nếu tăng trưởng về con số thì đẹp nhưng ở vùng nông thôn thu nhập không tăng, chất lượng đời sống không đảm bảo, môi trường bị hủy hoại… thì tăng trưởng như vậy chỉ là bề mặt để chúng ta vui mừng nhưng thực chất thì nền kinh tế đi thụt lùi.
Công bố của Tổng cục Thống kê cho rằng, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh nhưng cũng cần phải có những con số ròng về doanh nghiệp mới, đó là có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới hoàn toàn? bao nhiêu doanh nghiệp cũ bị phá sản lại thành lập doanh nghiệp mới hay doanh nghiệp cũ “tái tạo” sang mới?.
Trong 3 tháng đầu năm, đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ, tôi thấy rằng: Tỷ giá, thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán phát triển khá ổn định dù chứng khoán thế giới có nhiều chao đảo. Mặc dù thời gian qua xảy ra một loạt các vụ việc của ngân hàng, khách Vip mất tiền nhưng nói chung, niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam vẫn ổn định.
Theo tôi thời gian tới còn có nhiều áp lực kìm hãm sự tăng trưởng của GDP. Áp lực về năng lực lao động của người Việt còn thấp; thể chế kinh tế của mình còn ì ạch, vấn đề cơ chế cũng còn nặng nề, vấn đề cấp phép, kinh doanh cũng còn nặng nề. Hiện nay mình có rất nhiều hiệp định thương mại. Các hiệp định này trong quá khứ cũng giúp Việt Nam nhiều nhưng hiện nay vẫn gặp bao nhiêu rào cản.
Sản xuất thép ra xuất khẩu sang Mỹ bị chịu thuế nhập khẩu lên tới 25%, nhôm 10%. Ngay cả hàng cá tra khi bán sang châu Âu thì bị thẻ đỏ, thành ra, vấn đề xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các thị trường trên thế giới.
Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% có thể sẽ khả thi
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):Số liệu thống kê có 3 loại con số là số liệu ước đạt, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức. Các nước thường sau 3 tháng hoặc 6 tháng thì mới công bố con số chính thức. Con số GDP quý I tăng trên 7% do Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ là con số ước đạt do chưa hết quý.
Thông thường, trong quý I hằng năm, GDP tăng thấp nhất năm do có tháng Tết. Tuy nhiên, năm nay lại tăng hơn 7%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Nếu quả thực như vậy thì đây là điều đáng mừng, và mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% mà Quốc hội đặt ra sẽ không khó thực hiện. Thậm chí có thể tăng cao hơn do tăng trưởng GDP các quý sau sẽ cao hơn. Năm ngoái quý I chỉ tăng trên 5% mà cả năm vẫn đạt GDP 6,81%.
Tuy nhiên, quy trình thu thập số liệu có thể chưa chính xác nên không nên quá lạc quan. Mặt khác, tăng trưởng cao thì dẫn đến lạm phát cũng cao. Thách thức kiểm soát lạm phát năm 2018 sẽ không đơn giản. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2018 đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ. Tháng 2/2018 CPI tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Điều này là đúng theo quy luật tháng Tết nhưng cũng là mức tăng cao hơn mọi năm. Do đó, lạm phát cả năm có được kiểm soát ở mức 4% hay không thì còn phải chờ.