CPTPP hay TPP11 (TPP không có Mỹ) không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ hay doanh nghiệp nhà nước.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước CPTPP. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Hầu hết biểu thuế được xóa bỏ theo lộ trình Việt Nam được đánh giá là sẽ thuộc nhóm các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này này. Theo đó, CPTPP sẽ thay đổi thể chế và các quy định luật pháp, thương mại và đầu tư. Từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, đời sống người dân được nâng cao hơn.
Khi CPTPP đi vào thực thi, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường 500 triệu dân, hầu như toàn bộ thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Hàng hóa của chúng ta được bán ở thị trường của 10 nước thành viên còn lại một cách dễ dàng, còn người tiêu dùng trong nước được hưởng hàng hóa tốt hơn với giá hợp lý.
Liên quan đến tăng trưởng GDP khi CPTPP có hiệu lực, theo Ngân hàng Thế giới, GDP Việt Nam có thể tăng 1,1% sau hơn 10 năm nữa. Thậm chí còn có thể tăng cao hơn nếu năng suất lao động được cải thiện. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng sẽ tăng trưởng đột biến.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tiêu chuẩn mở cửa thị trường đối với CPTPP rất cao. Với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển.
Từ năm 2017, Công ty Cổ phần May Hồ Gươm đầu tư hơn 150 tỷ đồng trồng rau tía tô xanh lấy lá xuất khẩu sang Nhật Bản - một nước thuộc khối CPTPP. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Về cơ bản, các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng. Những thị trường lớn như Mexico, Canada, Úc hay Nhật đều có sự mở cửa hay dỡ bỏ các hàng rào thuế quan cho các ngành hàng của Việt Nam.
“Hiện nay, thuế trung bình khi Việt Nam xuất khẩu sang các nước CPTPP là khoảng 1,7%. Nếu thuế đưa về 0% thì sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Mặc dù Mỹ rút khỏi TPP nhưng với thị trường 500 triệu dân của CPTPP, lợi ích đối với Việt Nam vẫn tương đối rõ rệt”, ông Thái nhận.
Trao đổi với các phóng viên trước thời điểm sang Chile kí CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Nếu chúng ta mặc định năng suất lao động và các điều kiện về thể chế chưa được thay đổi thì GDP Việt Nam vẫn có thể tăng thêm 1,1%. Nhưng nếu chúng ta thực thi tốt những cải cách thể chế và hướng đến tăng năng suất lao động thì GDP có thể tăng đến 3,6% vào năm 2030.
"Trong bối cảnh thế giới đang có sự phân hóa của chủ nghĩa bảo hộ mới và chủ nghĩa cục bộ thì CPTPP là động lực bổ sung cho dòng chảy toàn cầu hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.
Rất nhiều ngành nghề chịu tác độngTheo đại diện Bộ Công Thương, ngoài lĩnh vực hàng hóa thì CPTPP cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong các lĩnh vực như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng sẽ được hưởng lợi như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…
Khi CPTPP đi vào thực thi, ngành da giầy thuộc diện được hưởng lợi nhiều nhất, giá trị xuất khẩu sẽ tăng đáng kể nhờ những chính sách về thuế quan, xuất xứ hàng hóa và thị phần ưu đãi trong khối các nước CPTPP. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm 60% có thu nhập từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể khẳng định những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững.
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.
Với một môi trường kinh doanh liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế thì thu hút đầu tư nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công...
Từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập WTO, hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì các tác động tiêu cực của hội nhập sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan nên đến nay, ngành mía đường có năng lực cạnh tranh rất thấp so với các nước khác. Điều này cho thấy những tác động rất nhiều chiều và những tác động tiêu cực có nguy cơ đe dọa một số ngành kinh tế cũng như tác động đến lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng.
Ngày 8/3 (theo giờ địa phương), tức rạng sáng 9/3 (giờ Việt Nam), 11 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. |
Bài 2: Việt Nam đủ khả năng vượt qua thách thức