Đến 9h30 phút, VN-Index đã giảm gần 20 điểm xuống hơn 742 điểm. Toàn sàn có mã 171 giảm giá, trong khi chỉ có 91 mã tăng giá và 51 mã đứng giá.
HNX-Index cũng giảm tới 1,32 điểm xuống hơn 100 điểm. Toàn sàn có 49 mã giảm giá, trong khi cũng chỉ có 33 mã tăng giá và 27 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn lên chỉ số VN-Index) có tới 27 mã giảm giá và cũng chỉ có 2 mã tăng giá và 1 mã đứng giá.
Các mã giảm mạnh như: VIC giảm tới 6,4%, VHM giảm 5,6%, PNJ giảm 6,2%, MWG giảm 5,7%, MSN giảm 4%..., thậm chí SBT còn giảm 6,9% xuống mức giá sàn 14.800 đồng/cổ phiếu. Ở chiều tăng giá có HPG và FPT tăng 0,8%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang diễn biến tiêu cực với sắc đỏ lan rộng. Trong nhóm này các mã như HDB, VPB, EIB, TCB, VCB, CTG, ACB... đều có mức giảm giá rất sâu.
Trong khi đó thì nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch trong sắc đỏ. Cụ thể, GAS giảm 1,4%, POW giảm 5,1%. Các mã PVD, PVS, PVC cũng đều ở chiều giảm giá.
Thị trường tài chính Phố Wall của Mỹ dường như không được trấn an sau các quyết định của Fed ngày 15/3 cắt giảm mạnh lãi suất nhằm kiềm chế thiệt hại kinh tế mà dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể gây ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial Average "mini" đã mất 1.000 điểm, tương đương 4,5%. Chỉ số S&P 500 mini và chỉ số công nghệ NSADAQ đều giảm hơn 4,5%.
Trước đó, cùng ngày, Fed thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên toàn nước Mỹ. Trong đợt này, Fed đã giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%.
Thông báo của Fed dự báo tác động của dịch COVID-19 sẽ "ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế".
Trong đợt trước, Fed đã giảm lãi suất khẩn cấp đến 0,5 điểm %, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất kể từ lần giảm 0,75 điểm % hồi tháng 12/2018.
Đây là lần đầu tiên Fed quyết định giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của FOMC kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm "khẩn cấp" thứ năm trong vòng 50 năm qua của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, vốn có lịch sử hình thành 110 năm.