Xoay sở cầm cự, linh hoạt để phát triển
Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, không ít doanh nghiệp phải “chuyển mình”, thay đổi linh hoạt, phương án dự phòng để duy trì phát triển.
Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Sơn Hà, ông Nhữ Văn Hoan cho biết: “Dịch COVID-19 khiến thị trường xuất khẩu tạm thời đóng băng, các hình thức giao thương với quốc tế bị hạn chế, Tuy nhiên, Sơn Hà đã nhanh chóng dịch chuyển chiến lược kinh doanh bằng việc tập trung mở rộng mạng lưới kinh doanh tại phân khúc thị trường nội địa”. Nếu như trước đây, Tập đoàn Sơn Hà tập trung tới 70% vào thị trường xuất khẩu thì khi dịch kéo dài, doanh nghiệp dồn lực cho thị trường trong nước.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh: Doanh nghiệp phải xoay xở đa kênh, đa thị trường, đa nguồn thu. Giai đoạn trước khi dịch bùng phát, ban lãnh đạo tập đoàn đã họp ngay với các cán bộ cấp quản lý để đặt ra những kịch bản như: Phong tỏa trong khu vực hẹp, phong tỏa thành phố, phong tỏa vùng miền…“Nếu phong tỏa từng phần, chúng tôi sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy. Nhà máy chia ra nhiều nơi nếu một nhà máy có công nhân bị COVID-19 thì các nơi khác vẫn có thể sản xuất hàng hóa bù vào.
Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 ập đến trong lúc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có rất nhiều đơn hàng và khẩn trương sản xuất để giao hàng đúng thời hạn. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nếu trong doanh nghiệp có ca mắc COVID-19, chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày, coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Hiện tại, giá bông thế giới tăng cao khi Ấn Độ - nước đang bị COVID-19 tàn phá nặng nề không xuất khẩu được bông. “Các doanh nghiệp đều đã ký hợp đồng tới quý III/2021, bởi vậy, nếu bị phong tỏa, công nhân không làm việc, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hạn, doanh nghiệp sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để tạo dựng. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tính tự chủ – tự cường của tập đoàn và các đơn vị, linh hoạt trong chỉ đạo và sản xuất để vượt qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 này”, Phó Tổng Giám đốc Vinatex khẳng định.
Các gói hỗ trợ đưa ra cần phù hợp với từng đối tượng
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp hiện mong muốn gói hỗ trợ lần 2 về hoãn, giãn, miễn giảm các loại thuế phí sẽ sớm được triển khai.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, các gói hỗ trợ năm 2020 không có đối tượng là nông dân sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua đợt dịch ở Hải Dương, khi nông sản bị ách tắc tiêu thụ. Do vậy, các đối tượng trong chính sách mới cần phải tính toán kỹ hơn. Tiếp đó, các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho doanh nghiệp. “Chúng ta cần ghi nhận, hỗ trợ các doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh...”, ông Nguyễn Xuân Phú cho biết.
Ông Nhữ Văn Hoan cho rằng: Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói kích cầu là cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi; các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt.
“Chính phủ có thể phải sử dụng nhiều hơn các hình thức hỗ trợ khác, như nâng cao kỹ năng mềm hoặc kiến thức chuyên môn cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống…”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đề xuất.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) đề xuất: Các cấp ngành cần cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận, xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, đặc biệt cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách. “Gói hỗ trợ này có thể dựa trên những đánh giá chỉ số, để phân chia theo mô hình doanh nghiệp nhỏ, vừa, lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành cho doanh nghiệp”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.