Dịch COVID-19 tái bùng phát và lan rộng ra các địa phương từ cuối tháng 4/2021 đến nay khiến các doanh nghiệp thêm một lần nữa lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành từ năm 2020 tuy đã phát huy những tác dụng nhưng do triển khai chưa đồng đều nên chưa thực sự tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi các chính sách hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và mang tính dài hạn để có thể vượt qua được "cơn bão" mang tên COVID-19.    

Đại dịch COVID-19 đã trở thành biến cố bất ngờ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội…

Cụ thể như Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19... cùng nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn và triển khai thực hiện ở từng lĩnh vực cụ thể, từng bộ, ngành và địa phương trên khắp cả nước. Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới và quý I/2021 ở mức gần 5% cho thấy tác dụng của "liều thuốc" đặc trị. 

Các hộ kinh doanh ở Hà Nội dán thông báo chỉ bán hàng mang về ngoài cửa hàng nhằm phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và ghi nhận từ các hiệp hội ngành nghề, việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách tài khóa thời gian qua rất thiết thực, đã hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn về dòng tiền nên các gói tài khóa trên giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, riêng chính sách cơ cấu lại nợ, ưu đãi miễn giảm lãi suất, ưu đãi phí giao dịch… của ngành ngân hàng, dù các ngân hàng công bố các gói hỗ trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song mức độ ảnh hưởng của chính sách đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ lại không lớn.

Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt cho rằng, từ khi xảy ra dịch COVID-19, may mặc là một trong những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn cả nguồn cung nguyên phụ liệu và thời gian nhiều thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đóng cửa biên giới, hoãn hủy đơn hàng. Doanh nghiệp có nhận được thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như thành phố thông qua hiệp hội doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Chủ trương chung là giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì rất khó để vay với lãi suất thấp. Để vay vốn sản xuất, ngân hàng yêu cầu phải kê khai doanh số, dòng tiền nhưng thời điểm doanh nghiệp cần vay vốn thì không xác định được doanh số. Ngoài ra, một số các chính sách khác cũng đi kèm các điều kiện mà doanh nghiệp khó đáp ứng được", ông Lê Nhung thông tin.

Cán bộ y tế làm xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang).

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hầu hết các ngân hàng đã hạ mặt bằng lãi suất cho vay theo chủ trương chung của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mức giảm mới xoay quanh dưới 1%, rất ít ngân hàng giảm ở mức 2% như công bố.

Bên cạnh lãi suất ngân hàng, các doanh nghiệp cũng được giãn thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách chung của Bộ Tài chính, còn các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất hầu như không đủ điều kiện để được hưởng.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá nguyên liệu và cước vận chuyển đồng loạt tăng cao. Cùng với đó, dòng luân chuyển hàng hóa vẫn còn chậm khiến dòng tiền của doanh nghiệp chậm xoay vòng. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các khoản vay đã đầu tư vào sản xuất nhưng chưa thu hồi được công nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau thời gian khó khăn do dịch bệnh.

Thời gian qua, tình hình của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê nhanh của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến giữa tháng 3/2021, có khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) đã tạm ngưng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay, "sức khỏe" của doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh hiện rất yếu. Nếu không có những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời sẽ rất khó vực dậy ngành du lịch. Do vậy, Sở Du lịch thành phố kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục giãn thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp, bao gồm: thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ trong năm 2021.

Công ty CP Đỗ Gia (Nam Định), chuyên sản xuất đồ nhựa gia dụng được VietinBank giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ nên hoạt động sản xuất cơ bản ổn định.

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí SKD Việt Nam cũng cho biết, thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm, doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất để trả đơn hàng cho các đối tác. Nhưng từ năm ngoái, tình hình trở nên rất khó khăn. Dịch bệnh khiến cho các đơn hàng giảm, trong khi đó, các chi phí như nhân công lao động, tiền thuê nhà xưởng vẫn phải duy trì.

Năm ngoái, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, các đơn hàng cũ vẫn còn nên doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất, nhưng dịch bệnh kéo dài đến nay, khiến khó có thể trụ vững. Hiện nay, ngoài khó khăn trong xuất khẩu, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng bị chậm trễ, giá cả leo thang.

Công ty TNHH An Phú (Hưng Yên) phải hoạt động cầm chừng, một nửa dây chuyền ngừng hoạt động, công nhân làm việc cách nhật.

Chính phủ đã có thêm các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Doanh nghiệp sản xuất yếu kém, thậm chí phải dừng sản xuất sẽ không thể có doanh thu. “Về vấn đề vay vốn, các yêu cầu, quy định khiến việc tiếp cận cũng còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, doanh thu... nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì điều này rất khó. Mong muốn sao, doanh nghiệp được tiếp cận các gói hỗ trợ như vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn, lãi suất giảm sâu hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi”, ông Nguyễn Văn Kết cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải có các giải pháp dài hạn hơn, như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bước vào phục hồi. Đặc biệt, nhà nước cần đẩy mạnh cải thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong kinh doanh hơn nữa.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 15,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Song ở thời điểm này, cũng đã có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Thực hiện giải ngân cho người dân, hộ kinh doanh từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Thực hiện giải ngân cho người dân, hộ kinh doanh từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong vòng một năm qua, các gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với giá trị khoảng 73,1 nghìn tỷ đồng hay gần 5 nghìn tỷ đồng được hồi tố, hoàn trả lại cho các doanh nghiệp và gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng trị giá 36,6 nghìn tỷ đồng... đã phần nào "cấp cứu" và vực đỡ không ít doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch. Tuy nhiên, đó chưa phải là bức tranh tổng thể; chưa thể thấy rõ sự thẩm thấu và hiệu quả chính sách được phát huy trong đời sống thực tiễn của doanh nghiệp khi có đến khoảng 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI phản ánh đã không nhận được gói hỗ trợ COVID-19 lần thứ nhất của Chính phủ?

Ông Tô Trung Thành, Chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động bị giãn, hoãn hoặc mất việc do ảnh hưởng của đại dịch cũng chưa phát huy hết hiệu quả khi chỉ mới hỗ trợ được khoảng 16 triệu người, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, những người được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động có bảo hiểm, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Hay như đối với gói hỗ trợ tín dụng của ngành ngân hàng cũng cho thấy còn nhiều bất cập ở khâu thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn gồm: lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ. Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm cần hỗ trợ nhất nhưng cũng là nhóm khó tiếp cận chính sách…

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng phối hợp với một số tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động và hiệu quả của chính sách và khả năng hấp thụ nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, chính sách liên quan đến việc gia hạn nộp thuế như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ cao nhất, tiếp đến là gia hạn tiền thuê đất và chính sách không thực hiện điều chỉnh tăng giá các yếu tố đầu vào trong sản xuất như điện, nước, xăng… Ngược lại, một số chính sách như đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn không có doanh nghiệp nào được hỗ trợ...

Công nhân Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19.

Trong các lý do doanh nghiệp không nhận được các hỗ trợ thì có tới 54,6% ý kiến cho rằng khó tiếp cận hỗ trợ vì họ không đủ năng lực đáp ứng các điều kiện để nhận được hỗ trợ; gần 26% doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ và gần 15% doanh nghiệp cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên không muốn tiếp cận các gói hỗ trợ...

Lý giải cho việc khó tiếp cận nguồn lực tài chính từ ngân hàng và hiệu quả hấp thụ vốn chưa cao ở số đông doanh nghiệp, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã thấp hơn nhiều so với trước khi dịch bệnh xuất hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân vay vốn. Nếu doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn thì chủ yếu do chưa đáp ứng đủ điều kiện cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Một số khách hàng, doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng không có nguồn vốn tự có, ngân hàng sẽ rất khó để cho vay. Hoặc khách hàng muốn kinh doanh, khởi nghiệp nhưng phương án kinh doanh thiếu hiệu quả, rủi ro cao thì ngân hàng cũng phải cân nhắc.

Có thể lấy ví dụ như trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khách hàng lên phương án vay vốn để mua xe vận tải hoặc xây khách sạn, đều là những phương án kinh doanh được đánh giá là có tính rủi ro cao tại thời điểm này, ngân hàng sẽ phải rất thận trọng khi xét duyệt. Ngoài ra, dù pháp luật không quy định bắt buộc phải có tài sản thế chấp khi vay, nhưng trong khi thị trường còn đang nhiều rủi ro thì với các khách hàng mới hoặc khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực rủi ro cao, ngân hàng vẫn yêu cầu cần có tài sản thế chấp...

Không đồng quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho rằng, việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công, có hiệu quả khi doanh nghiệp nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể. Nếu chính sách được xây dựng mà khó thực hiện thì không có tác động tốt đến doanh nghiệp. Ngược lại, còn làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về việc đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Vì vậy, ông Tuấn đề nghị, các bộ, ngành liên quan cần có thêm những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp. Song song đó, cần cải thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. 

 
Công ty giầy Phúc Yên (Vĩnh Phúc) phấn đấu năm 2021 sản xuất 1.2 triệu đôi giày phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khuyến nghị, BIDV đang triển khai chương trình chuyển đổi số cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các công ty về giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) để kết nối cung cấp các phần mềm kế toán, quản trị, tặng miễn phí các phần mềm này cho doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua các diễn đàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, kết nối, hình thành mạng lưới với các đối tác, từ đó học hỏi, nâng cao kỹ năng năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Theo các chuyên gia, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ đã động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện một thông điệp tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch COVID-19 đang có nguy cơ lan rộng như hiện nay, các chính sách hỗ trợ nên “đúng, trúng, đủ” và mang tính dài hạn hơn giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu với các “cú sốc” trong tương lai, không chỉ là dịch bệnh.

Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2020, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, các giải pháp về tài chính, tiền tệ trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo tinh thần Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 vừa được Chính phủ ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Công nhân tại Công ty TNHH YOKOWO Việt Nam (Hà Nam) thường xuyên đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, việc hỗ trợ cần đúng đối tượng, tránh tình trạng chính sách bị trục lợi.

Với Nghị định này, đây là lần thứ 3 Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và có cơ hội phát triển. Nghị định kế thừa những ưu điểm của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Bên cạnh việc kế thừa những mặt tích cực của 2 đợt hỗ trợ trước, Nghị định lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng được thụ hưởng.

Các doanh nghiệp nỗ lực tận dụng các lợi thế để “vượt khó”, tăng tốc xuất khẩu.

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định này đã bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đó là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; dịch vụ thông tin; sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị...

Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6/2021 và quý I, quý II/2021; gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng tháng 7/2021, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng tháng 8/2021; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 chậm nhất là ngày 31/12/2021; gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021. Chính phủ dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng. Nghĩa là tổng số thu ngân sách nhà nước trong các tháng được gia hạn giảm tương ứng 115.000 tỷ đồng.

Nghị định 52/2021/NĐ-CP cũng quy định thủ tục rất đơn giản, người nộp thuế chỉ thực hiện nộp 1 lần duy nhất giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế; thủ tục này hiện được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Hà Nội kết nối nông sản các vùng miền về tiêu thụ tại Thủ đô.

Theo các chuyên gia kinh tế, với chính sách này, các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh bởi dòng tiền thay vì nộp vào ngân sách nhà nước thì trước mắt chưa phải nộp mà doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, mà không phải đi vay và trả lãi vay.

Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, việc Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, một lần nữa thể hiện sự chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp và người dân. Đây là chính sách rất kịp thời, giúp doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, doanh nghiệp thêm một lần nữa được Nhà nước hỗ trợ, có thể sử dụng số tiền thuế lẽ ra phải nộp để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Ngày 26/5/2021, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản.

Ngay khi Nghị định được ban hành, Tổng cục Thuế đã khẩn trương triển khai nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Tại Cục Thuế Hà Nội, các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, khu vực trên địa bàn đã tuyên truyền theo từng nội dung chính, như đối tượng được gia hạn, thời gian gia hạn, thời hạn nộp đề nghị gia hạn... Cán bộ thuế đôn đốc thu kết hợp với phổ biến chính sách mới…; đồng thời rà soát đối tượng, tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong thời gian được gia hạn, cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, ông Vũ Xuân Bách cho biết, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các địa phương để triển khai hiệu quả các luật thuế.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, thực hiện quản lý thu ngân sách nhà nước, kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.

Năm 2020, thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế đã gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn khoảng 87.300 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và thu hồi được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào ngân sách nhà nước.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH LT Garments, thành phố Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" của Chính phủ đã đề ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố đang khẩn trương xây dựng, triển khai gói hỗ trợ lần 2 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch. Thành phố cũng tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, trên tất cả các lĩnh vực cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế…, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự kiến gói tín dụng có quy mô 4.000 tỷ đồng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, các chính sách về hỗ trợ giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất cùng các chính sách về tài chính, tiền tệ khác được Chính phủ ban hành năm 2020 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã giúp nền kinh tế có bước tăng trưởng khá, đặc biệt với ngành tài chính, thu thuế nội địa vẫn đảm bảo.

Cần hỗ trợ cho doanh nghiệp thật sự hiệu quả:

Bài: Nhóm PV TTXVN 
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

27/05/2021 08:00