Lô vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về tới Việt Nam và đang chuẩn bị để tiêm cho người dân theo thứ tự ưu tiên. Chính phủ ta đảm bảo 100 triệu dân sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và theo nguyên tắc "đối tượng có nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau" như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo. Cùng lúc, quá trình phát triển vaccine "Made in Việt Nam" cũng đang được đẩy nhanh, tạo cơ sở để chúng ta có thể sớm "thắng cả cuộc chiến" trước đại dịch COVID-19.

Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho cuộc chiến chống COVID-19 trong khu vực và cả thế giới. Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm để tiến tới có thể sản xuất đại trà vaccine ngừa COVID-19 nhằm chủ động hơn nữa trong cuộc chiến chống COVID-19 mà cả thế giới đang phải đối mặt. Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên tình nguyện viên và cán bộ Học viện Quân y trong đợt tiêm thử nghiệm đợt 2.

Ghi nhận một trong những nỗ lực trong nghiên cứu vaccine ở Việt Nam khi sáng 26/2, Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tiếp tục tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2 cho 35 tình nguyện viên đầu tiên. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu.

Đợt tiêm thử nghiệm này được tổ chức tại 2 điểm cầu: Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Dự kiến, đợt này sẽ có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền (như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1...) không quá nặng. 

Sáng 26/2, Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) triển khai tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2.

Tin vui thứ hai trong những ngày cuối tháng Hai này, là sáng 24/2, chiếc máy bay mang 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca cung cấp đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên có mặt tại Việt Nam cho thấy nỗ lực của Đảng, Chính phủ, tiếp thêm năng lượng cho những người ở tuyến đầu chống dịch, tạo sự tin tưởng, phấn chấn cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, lô vaccine đầu tiên về Việt Nam càng ý nghĩa hơn ở thời điểm đợt bùng phát dịch bệnh và đang có nhiều diễn biến phức tạp tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Với lô vaccine này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 - một trong những giải pháp có tính chất quyết định để ngăn chặn đại dịch. 

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, lô vaccine đầu tiên về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhất định cần thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, để tạo miễn dịch cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca về đến Việt Nam.
Lô vaccine đầu tiên được đưa về Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đại diện đơn vị nhập khẩu là Hệ thống tiêm chủng VNVC, vaccine COVID-19 AstraZeneca được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. Theo bà Vũ Thu Hà - Giám đốc cung ứng Hệ thống VNVC, vaccine sẽ được đưa về kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca để thực hiện các thủ tục theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế.

Đầu tháng 3/2021, số vaccine này sẽ được tiến hành tiêm cho người dân; cuối tháng 3 có thể có thêm 1,2 triệu liều.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, trong năm 2021, Bộ đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau. "Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tiếp theo việc nhập khẩu lô vaccine của AstraZeneca, ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho hai vaccine phòng COVID-19, gồm vaccine của Công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vaccine của Công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Sáng  24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề vaccine. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch quyết liệt của các địa phương; khẳng định, vaccine là yếu tố quan trọng dẫn tới giảm số ca mắc COVID-19 trên thế giới trong thời gian qua. Cho biết Bộ Chính trị đã có kết luận về mua vaccine bằng nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác với yêu cầu làm công khai, minh bạch, kịp thời, song, Thủ tướng cũng lưu ý, dù có vaccine nhưng vẫn phải chú ý phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, tránh tình trạng chủ quan.

Sáng  24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo để có vaccine với tinh thần phải "thần tốc hơn" với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng. 

"Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vaccine", Thủ tướng nêu rõ đồng thời cho rằng không thể một lúc đủ cho cả trăm triệu dân mà phải có thứ tự ưu tiên. "Một nguyên tắc rất quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau", Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ngày 25/2, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25/2/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc mua, sử dụng vaccine COVID-19; làm đầu mối thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vaccine COVID-19; có phương án phù hợp, không để xảy ra ách tắc về thủ tục trong thực hiện việc này. Phối hợp với Bộ Ngoại giao (nhất là với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài) trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vaccine bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 50-CV/VPTW ngày 19/2/2021 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 312/VPCP-KGVX ngày 8/2/2021. 

Bộ Y tế nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thúc đẩy đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại Hải Dương, Hải Phòng và sớm xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có.

Và rất nhanh chóng, một ngày sau đó, ngày 26/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch để quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.

Nghị quyết quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí. Đó là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ phòng, chống COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng tại tỉnh Hải Dương.

Ngoài ra, giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định, căn cứ yêu cầu phòng chống dịch cũng là đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí.

Về địa bàn, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

Như vậy, vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu đã có mặt tại Việt Nam và sắp tới sẽ được tiến hành tiêm chủng cho người dân. Những lô vaccine tiếp theo cũng sẽ dần được cung cấp theo lộ trình, việc sản xuất vaccine trong nước cũng đang được nỗ lực tiến hành.

Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2 cho tình nguyện viên.

Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 (ngày 25/2), kinh phí cho vaccine sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp: Ngân sách địa phương đảm bảo cho người dân trên địa bàn và các đối tượng do địa phương quản lý; ngân sách trung ương đảm bảo cho các đối tượng do các cơ quan trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương. 

Cụ thể, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại thực hiện theo quy định: Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Sáng 26/2/2021, tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Bộ Y tế tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19. Dự kiến tỉnh Long An sẽ tiêm thử nghiệm cho gần 300 tình nguyện viên sàng lọc trong hơn 800 hồ sơ đăng ký.

Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương thì ngân sách trung ương sẽ bổ sung phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện. 

Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, còn có nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.

Ngày 24/2/2021, chiếc máy bay mang 117.600 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng hành với Chính phủ, bộ ngành, các địa phương cũng đề xuất mua vaccine để chủ động tiêm phòng cho người dân. Việc xã hội hóa mua vaccine sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa góp phần tăng độ bao phủ tiêm vaccine một cách nhanh chóng.

Gần đây nhất, trong Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25/2/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương (như Hà Nội, Hải Phòng…) về việc mua vaccine theo phương thức xã hội hóa như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ.

Lễ tiếp nhận 20 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng ngừa COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Thường trực Thành ủy sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về tiêm vaccine cho tất cả người dân của thành phố bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tại Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cũng cho biết, thành phố sẽ sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ và chủ động chi ngân sách địa phương mua vaccine cho tất cả người dân.

Tại Đồng Nai, ngày 24/2, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, đơn vị đã có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh mua 6,2 triệu liều vaccine COVID-19, tiêm miễn phí cho 3,1 triệu người trên địa bàn. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách địa phương. Sở Y tế Đồng Nai đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ nguồn mua vaccine và các thủ tục để tỉnh sớm triển khai thực hiện..

So với các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, nhưng như nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta “vẫn là vùng trũng, cần phải bao đê cho chặt”. Kể cả khi có vaccine, mọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới dập dịch hiệu quả và tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong năm 2021.

Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2:

Bài: Quang Vũ - Đinh Hằng - Hoàng Linh
Ảnh, đồ họa: TTXVN, TTXVN phát; Video: Lê Phú
Trình bày: Hà Nguyễn

28/02/2021 06:15