“Dù cuộc chiến với COVID-19 có khốc liệt thế nào chúng tôi cũng không cho phép mình gục ngã, ở lại địa bàn cùng anh em chống dịch, mình càng phải là người lạc quan, mạnh mẽ”, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ về những ngày tháng “nằm vùng” ở các tâm dịch.

Trận chiến đặc biệt với nhiều cảm xúc

Năm nay, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) “ăn Tết” trong tâm dịch Hải Dương. Gọi là “ăn Tết” để nhớ đến một dịp quan trọng trong năm, còn với anh và các y bác sĩ ở đây, dịch COVID-19 chưa hết là còn những ngày lăn lộn quên ăn, quên ngủ.

Trong cuộc trao đổi ngắn ngủi qua điện thoại từ nơi tâm dịch, anh điềm đạm, nhưng vẫn rất kiên cường, mạnh mẽ. Bởi người “thủ lĩnh” ấy đã xác định phải chiến đấu với con virus SARS-CoV-2 đến cùng.

Sáng sớm ngày 28/1/2021, sau cuộc họp khẩn trong đêm khi Hải Dương ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa nhận lệnh khẩn cấp từ lãnh đạo Bộ Y tế cùng các y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành từ Trung ương lập tức xuống tâm dịch ở TP Chí Linh (Hải Dương) để hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19.

Ngay khi bước chân về tới vùng dịch, ông đã cùng các đồng nghiệp khẩn trương bắt tay ngay vào công việc từ truy vết, khoanh vùng và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đến vệ sinh, khử khuẩn tại ổ dịch.

Chú thích ảnh
Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa (thứ 2 từ phải sang) tại tâm dịch Hải Dương. 

 ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Ổ dịch tại Hải Dương xảy ra ở khu công nghiệp với số lượng công nhân lớn hàng nghìn người, trong khi các chuyên gia đánh giá dịch đã âm thầm trong cộng đồng từ trước đó nhiều ngày nên ngay từ đầu chúng tôi đã dự đoán sẽ rất cam go với số ca bệnh lớn. Trận chiến tại Hải Dương lần này có đặc thù riêng khi nó xảy ra vào đúng dịp Tết cổ truyền nên khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, số lượng người cách ly tập trung khá lớn với hàng loạt thôn xã phải phong tỏa. Rất may, số bệnh nhân bị nhiễm đa số là lực lượng công nhân trẻ, sức khỏe tương đối tốt nên cũng đỡ căng thẳng, áp lực cho việc điều trị”.

Đúng như dự đoán, số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên nhanh chóng, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa lại khẩn trương chỉ đạo gấp rút chuyển các bệnh nhân âm tính khỏi Trung tâm Y tế Chí Linh, biến nơi đây thành bệnh viện dã chiến với khoảng 200 giường bệnh dành riêng điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, trong số hàng chục bệnh nhân ban đầu, có 3 ca bệnh được đặc biệt chú ý gồm: Một bệnh nhân mang thai 27 tuần, một bệnh nhân mang thai 34 tuần và một bệnh nhân có bệnh lý nền. Đây là những ca bệnh phải theo dõi chặt chẽ, liên tục, tránh các biến chứng nặng.

Sau đó các bệnh viện dã chiến tiếp theo được thành lập khi ổ dịch Hải Dương diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng lên, nguy cơ quá tải khu điều trị rất cao. Trong tình hình đó, với người “chỉ huy trưởng” nơi tâm dịch là một áp lực rất lớn, phải bình tĩnh triển khai từng bước và không gây xáo trộn.

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, trong quá trình triển khai hệ thống điều trị, lực lượng y tế vẫn phải triển khai hệ thống đáp ứng được 3 nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là đảm bảo các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, phân luồng cách ly tốt, đảm bảo không lây nhiễm cho nhân viên y tế và lây nhiễm ra cộng đồng; thứ hai là cố gắng phát hiện sớm các ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng để điều trị tích cực và chuẩn bị sẵn các điều kiện cho cơ sở điều trị tích cực, hạn chế nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân; thứ ba là không được làm gián đoạn quá trình điều trị của người dân trên địa bàn với các bệnh khác, nhất là những người mắc bệnh mãn tính, những trường hợp cấp cứu, điều trị trên toàn địa bàn, trong đó đặc biệt là những địa bàn bị phong tỏa.

Tinh thần chiến đấu mạnh mẽ là vậy nhưng “cắm chốt” trong tâm dịch, ở lại cùng bệnh nhân, với Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa vẫn chú ý đến từng chi tiết nhỏ khi ông dành không ít tình cảm cho các bệnh nhân của mình, hiểu thêm những hoàn cảnh để cùng họ vượt qua.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn, chỉ đạo công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Anh kể: “Đợt dịch này với tôi cũng khá đặc biệt khi được ở gần rất nhiều bệnh nhi, trong đó nhỏ tuổi nhất là bệnh nhi 27 ngày tuổi. Ngoài bệnh nhi nhỏ nhất ấy có mẹ là F1 đi cùng để chăm sóc, hầu hết các trẻ từ 5-10 tuổi vào điều trị cách ly và không có người nhà đi cùng. Khi đó chúng tôi hiểu rằng, y bác sĩ lúc này không chỉ làm nhiệm vụ điều trị mà còn phải quan tâm, chăm sóc cho các cháu nhiều hơn, động viên tinh thần cho các cháu, giúp các cháu giải tỏa tâm lý sợ hãi. Bởi chưa bao giờ các cháu lại xa nhà, điều trị bệnh ở một nơi mà không có người thân bên cạnh như vậy. Trong khi nhưng gì hàng ngày các cháu thấy, những người các cháu gặp lại là các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc kín mít từ đầu đến chân trong bộ đồ bảo hộ, thậm chí nhiều cháu còn cảm thấy sợ hãi”.

Có lần vào thăm các bệnh nhân nhi, BS. Nguyễn Trọng Khoa gặp một cháu nhỏ ngồi lặng im, rơm rớm nước mắt, tiến đến hỏi thăm thì cháu bé chỉ lắc đầu không nói, có lẽ cháu hơi rụt rè khi không nhìn rõ mặt bác sĩ. Lúc ấy anh bỗng thấy xót xa vì nghĩ đến nỗi nhớ nhà, nhớ người thân của một đứa trẻ. Để gần gũi hơn cho bạn nhỏ bớt sợ hãi, BS. Khoa phải “mon men” đến chuyện trò, hỏi thăm cháu nhỏ có thích đọc truyện tranh không, thích đọc truyện gì? Thấy bác sĩ gần gũi cháu mới “mở lòng” về sở thích đọc truyện Doremon. Hôm sau trực tiếp mang truyện vào cho các cháu, BS. Khoa thấy các bệnh nhi vui vẻ hơn rất nhiều, người bác sĩ như cảm thấy ấm lòng.

“Điều trị tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 cũng rất quan trọng, chúng tôi phải nhờ một số bác sĩ tâm lý kết nối, nói chuyện với người bệnh, nhất là các cháu nhỏ để các cháu ổn định hơn, điều này cũng giúp cho việc điều trị được tốt hơn”, BS Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.

Bởi vậy, mỗi một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, ra viện, với BS. Nguyễn Trọng Khoa đó như liều thuốc tinh thần để cố gắng hơn, bớt đi những lo lắng, nhọc nhằn mà những ngày qua anh cùng đồng đội phải trải qua.

  

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân COVID-19 trong niềm vui ngày ra viện.

  

Không cho phép mình gục ngã

Suốt một năm qua, với vai trò "thủ lĩnhđội điều trị, ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa đã trực tiếp chỉ huy công tác điều trị tại các điểm nóng nhất ở các ổ dịch COVID-19 lớn như: Đà Nẵng, Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Ninh Thuận, Bình Thuận và giờ đây là Hải Dương.

Ở anh, tinh thần, quyết tâm của người "ra trậncó ý nghĩa rất lớn đến thành quả chống dịch. Ngay từ những ngày đầu chiến đấu tại ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), anh đã xác định: "Mình là lực lượng về hỗ trợ địa phương chống dịch, nếu bản thân nhiễm COVID-19, tình hình sẽ rất phức tạp. Không thể để ảnh hưởng tới tinh thần anh em trong cuộc chiến cam go này".

Và anh đã luôn mạnh mẽ được như vậy, kiên trì, bền bỉ cắm chốt suốt 28 ngày ở ổ dịch Sơn Lôi, 1 tháng ở tâm dịch Đà Nẵng cho đến khi kiểm soát được dịch. Đặc biệt những ngày chiến đấu tại tâm dịch Đà Nẵng cũng là những ngày BS Nguyễn Trọng Khoa không thể nào quên.

Anh vẫn còn nhớ, ngày 22/7, ngay tối đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng, với vai trò là Đội trưởng Đội điều trị, dưới sự chỉ đạo của Tổng chỉ huy Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, anh cùng các chuyên gia đã ngay lập tức họp khẩn với Sở Y tế Đà Nẵng.

“Lúc đó chúng tôi lo ngại nhất là ổ dịch COVID-19 lần này xảy ra tại bệnh viện. Phương án chắc chắn sẽ có rất nhiều bệnh nhân nặng đã được lường đến vì ngoài nhân viên y tế, đa số người bị nhiễm đang nằm điều trị tại các khoa hồi sức cấp cứu, lọc máu, tim mạch, lão khoa, sức đề kháng rất kém. Đó là những ngọn nến mong manh, chỉ cần cơn gió nhẹ sẽ tắt”, BS Khoa chia sẻ.

Chú thích ảnh
Người "thủ lĩnh" trên lĩnh vực điều trị COVID-19.

 Lúc đó, với hành trang là kinh nghiệm đã có được sau đợt chống dịch tại ổ dịch Sơn Lôi nhưng đứng trước một cuộc chiến mới được cho là khốc liệt nhất đến thời điểm đó, trong lòng BS Nguyễn Trọng Khoa vẫn rất nhiều lo lắng.

“Với chúng tôi, những ngày căng thẳng nhất là hai tuần đầu tiên khi không tìm được F0, không tìm được nguồn lây, tất cả đều ở diện nghi ngờ. Khó khăn chồng chất khó khăn khi Đà Nẵng phải đóng cửa tới 2/3 bệnh viện, lại đều là các bệnh viện lớn. Lúc này, chúng tôi phải đối mặt với nỗi lo không có nơi để điều trị cho bệnh nhân nặng, vấn đề “chia lửa điều trị” đã được đưa ra để "cứuĐà Nẵng", Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa nhớ lại.

Khối công việc quá đồ sộ khi các bệnh dương tính liên tục được phát hiện, lại phải giải tỏa được cơ bản bệnh nhân nặng sang các cơ sở y tế khác để điều trị, bảo đảm tối đa mật độ giãn cách tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và bệnh viện C Đà Nẵng. Và càng "căng" hơn khi số lượng bệnh nhân nặng nhiều, trong khi thiếu cơ sở điều trị, các bác sĩ hồi sức, cấp cứu hàng đầu của Đà Nẵng đều trong diện cách ly hết.

"Lúc đó chúng tôi phải đặt ra phương án huy động tổng lực cán bộ y tế từ khắp các nơi đến hỗ trợ Đà Nẵng. Đó là lực lượng tinh nhuệ nhất trong các lĩnh vực: Hồi sức, thận nhân tạo, xét nghiệm, điều dưỡng chăm sóc, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn từ các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế Cùng với đó là khẩn trương thành lập các bệnh viện dã chiến đáp ứng số lượng người bệnh tăng lên quá nhanh", Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa nhớ lại.

Công việc dồn dập là vậy nhưng khó khăn nhất mà các bác sĩ phải đối mặt lúc đó là cùng lúc điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng, thậm chí rất nặng. Các bệnh nhân đa phần mắc bệnh lý nền nặng, suy thận, lọc máu, có người đã suy thận 10- 15 năm... Khi mắc COVID-19 họ đều như "ngọn nến trước gió".

Và dù đã nỗ lực hết mình, làm hết cách nhưng trong đợt dịch thứ 2 tại Đà Nẵng, các bác sĩ đã có lúc phải buông tay khi một số bệnh nhân tử vong vì không còn đủ sức chống chọi với COVID-19.

"Khi có ca tử vong đầu tiên là BN428, chúng tôi như bị áp lực đè nặng. Với tất cả nỗ lực điều trị từ đầu mùa dịch, thành tích ấy đã không còn được giữ vững. Tôi và các đồng nghiệp không những buồn mà còn vô cùng căng thẳng vì không thể dự đoán được còn bao nhiều bệnh nhân nặng nữa, liệu, các phòng cấp cứu ICU mới thiết lập cấp tốc có đủ để đáp ứng điều trị hay không?", Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa nhớ lại.

Mình là lực lượng về hỗ trợ địa phương chống dịch, nếu bản thân nhiễm COVID-19, tình hình sẽ rất phức tạp. Không thể để ảnh hưởng tới tinh thần anh em trong cuộc chiến COVID-19 cam go này

Những ngày sau đó càng áp lực hơn với tổ điều trị khi số bệnh nhân tử vong tăng lên, có những ngày liên tục ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong do bệnh lý nền nặng. Đó cũng là những ngày nhiều cảm xúc với ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa khi đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn phải rơi nước mắt nhìn bệnh nhân ra đi. Nhưng trong thời điểm ấy, ngườithủ lĩnhkhông cho phép mình gục ngã, anh vẫn dặn lòng mình phải bình tĩnh vượt qua, phải lạc quan để còn là chỗ dựa cho anh em nhìn vào.

Nhờ những nỗ lực điều trị cùng việc kiểm soát dịch, tín hiệu vui khi nhiều ca bệnh điều trị thành công khiến các bác sĩ tuyến đầu yên lòng hơn. Niềm vui lại đến khi ca bệnh dần ra viện hết, Đà Nẵng lại trở về bình yên.

Với Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, cuộc chiến điều trị bệnh nhân tại Sơn Lôi, Đà Nẵng, hay Hải Dương đều có những dấu ấn riêng, mỗi cuộc chiến là một thử thách khác nhau; nhưng vượt lên tất cả tinh thần lăn xả, hy sinh, sự đoàn kết chung một quyết tâm chiến thắng dịch, người bệnh được bình phục.

Và những bài học, kinh nghiệm đúc rút từ những gian khổ nơi tuyến đầu khiến người thủ lĩnh ấy càng dạn dày hơn, bình tâm hơn trong những ngày tiếp tục cuộc chiến trường kỳ với COVID-19.

Bài: Tạ Nguyên
Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Trình bày: Tạ Nguyên

25/02/2021 10:18